Suy dinh dưỡng bào thai là một trong những tình trạng các mẹ bầu rất lo lắng ngay từ những ngày đầu tiên của thai kỳ. Đặc biệt các mẹ bầu có triệu chứng nghén nặng, thời gian ngắn kéo dài càng cần chú ý hơn đến nguy cơ này. Vậy suy dinh dưỡng từ trong bào thai là như thế nào? Tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây!
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì suy dinh dưỡng thai nhi là tình trạng suy dinh dưỡng sớm nhất mà bé yêu của bạn hoàn toàn có thể mắc phải. Đây là sự phát triển chậm hoặc là kém phát triển của thai nhi ngay trong bụng của mẹ. Nếu như bé yêu của bạn sinh đủ tháng mà cân nặng chỉ dưới 2.5kg thì có nghĩa là em bé bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ.
Mẹ hoàn toàn có thể dựa vào các chỉ số như vùng bụng, cân nặng, chiều dài của con để có thể biết được bé yêu có bị suy dinh dưỡng bào thai hay không. Ngoài ra, dựa vào chỉ số tăng cân nặng của mẹ trong thai kỳ cũng có thể biết được em bé bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ. Nhưng mẹ cũng không nên hoàn toàn dựa vào dấu hiệu này vì có một số mẹ tăng cân rất ít nhưng bé yêu vẫn đạt chuẩn cân nặng.
Suy dinh dưỡng bào thai nguy hiểm như thế nào?
Suy dinh dưỡng bào thai là một cơn “ác mộng” với mẹ và bé bởi bệnh liên tiếp “tấn công” sự phát triển ổn định thai kỳ theo nhiều cách:
Sinh non và dị tật bẩm sinh
Sinh non là trường hợp mẹ chuyển dạ trước khi thai đạt 37 tuần tuổi. Một trong những nguyên nhân gây sinh non phổ biến là do mẹ hấp thụ thiếu axit folic, kẽm, sắt, vitamin D,…trong một thời gian dài, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, dẫn đến tình trạng sinh non.
Khi bị thiếu hụt những vi chất này, biểu hiện đầu tiên là mẹ thường rất hay bị đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất tập trung, ăn uống nhạt nhẽo (ăn mất ngon) hoặc bị nhiệt miệng.
Thai chết lưu
Thai chết lưu là tình trạng tim thai ngừng đập khi đã bước sang tuần thứ 20 của thai kỳ. Theo thống kê, gần một nửa số thai chết lưu đều có cân nặng và kích thước nhỏ hơn so với tuổi thai. Khi bị suy dinh dưỡng bào thai, bé không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phát triển nên kiệt quệ về thể chất và tử vong trong bụng mẹ. Vì thế, mẹ bầu được chủ quan và lơ là việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
Chậm phát triển thể chất
Thiếu đi nguồn dinh dưỡng thiết yếu từ người mẹ nên bé sẽ không được khỏe mạnh như trẻ bình thường. Điều này biểu hiện ở việc con có thể bị thiếu máu, còi xương, chậm phát triển và khả năng vận động thấp hơn so với những em bé cùng tuổi.
Dễ bị nhiễm khuẩn
Sự thiếu hụt những dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, D, C và kẽm khiến cho hệ miễn dịch của bé trở nên yếu ớt hơn. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, sức đề kháng của bé cũng giảm và dễ bị tấn công bởi các virus hay vi khuẩn gây bệnh. Do đó, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai trong năm đầu đời thường dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp và nhiều bệnh liên quan đến hệ miễn dịch khác.
Dễ hạ đường huyết
Hạ đường huyết ở trẻ là tình trạng lượng đường trong máu nằm ở mức <2,5 mmol/L. Những em bé bị suy dinh dưỡng có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn nhiều so với các em bé bình thường. Theo nghiên cứu, trẻ hạ đường huyết có tỷ lệ tử vong sớm cao hơn 20% so với trẻ em đường huyết bình thường. Biểu hiện thường thấy là bé dễ bị run rẩy, rên nhẹ, co giật, tím tái, khóc thét lên và thậm chí là ngưng thở. Để giải quyết tình trạng này, mẹ hãy cho bé bú càng sớm và đầy đủ nhé.
Dễ hạ thân nhiệt
Vì thiếu năng lượng nên khi mắc chứng suy dinh dưỡng bào thai, trẻ trở nên cực kì nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Nếu mẹ không ủ ấm cho bé đầy đủ, thân nhiệt của bé có thể giảm mạnh và dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Cá biệt hơn, nhiều trẻ suy dinh dưỡng bào thai mức độ nặng khi sinh ra, bác sĩ phải cho bé vào “lồng kính” để “ấp” gấp, tránh để bé bị hạ thân nhiệt đột ngột gây co giật và tử vong. Vì thế, nếu bé không may bị suy dinh dưỡng bào thai, mẹ hãy lưu ý luôn ủ ấm cho con bằng việc đeo đủ tất chân, găng tay và đảm bảo duy trì nhiệt độ trong phòng ở mức phù hợp nhất.
Các di chứng thần kinh
Di chứng về thần kinh thường chỉ xuất hiện ở trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai mức độ nặng, chẳng hạn như trẻ sinh ra bị bại não, đần độn, thiểu năng, mất thính lực hoặc thị lực do tổn thương hệ thần kinh trong thời gian dài. Một khi đã mắc các di chứng thần kinh thì bé chắc chắn không thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, cách trị bệnh tốt nhất chính là phòng bệnh, ăn uống đủ chất và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong các kỳ khám thai định kỳ.
Cách phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai
Suy dinh dưỡng bào thai chủ yếu đến từ việc mẹ không được hấp thu đủ dinh dưỡng và không có chế độ nghỉ ngơi hiệu quả. Do đó, để phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai, các mẹ bầu hãy lưu ý những vấn đề sau:
- Lên kế hoạch sinh nở: Phụ nữ nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đẻ con không quá sát nhau và đẻ trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt nhất khi mang thai.
- Khám thai định kỳ: Ít nhất mỗi tháng 1 lần trong 6 tháng đầu của thai kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ. Sang 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ nên khám thai ít nhất 2 lần / tháng để đảm bảo trẻ khi sinh ra tăng trưởng khỏe mạnh.
- Ăn uống đầy đủ: Một bữa ăn của mẹ bầu phải có tối thiểu 5 món gồm cơm, canh, xào, món mặn và hoa quả tráng miệng để cung cấp đầy đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng gồm tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
- Tăng cân lành mạnh: Đối với mẹ bầu có cân nặng trước khi mang thai bình thường trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ nên tăng từ 0.5 – 1.8kg. Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ nên tăng tiếp 4 – 5kg và trong tam cá nguyệt cuối cùng, mẹ nên tăng 5 – 6kg. Như vậy, trong suốt thai kỳ, mẹ chỉ cần tăng từ 10 – 12kg là bé sẽ khỏe mạnh.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Khi mang thai, mẹ cần ưu tiên nghỉ ngơi đầy đủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế suy nghĩ nhiều dẫn đến căng thẳng.
- Tránh xa chất kích thích: Mẹ hãy tự bảo vệ mình và trẻ bằng cách tránh xa rượu, bia, ma túy và đặc biệt là khói thuốc lá. Theo nghiên cứu, hút thuốc trong khi mang thai hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong môi trường làm tăng nguy cơ thai chết lưu lên nhiều lần. Trong khi đó, rượu bia ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, hệ hô hấp và thần kinh của thai nhi.
- Sử dụng thực phẩm bổ sung: Do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, mẹ bầu nên uống thêm các viên uống bổ sung sắt, acid folic, vitamin D, A, và kẽm trong thai kỳ để ngăn ngừa dị tật thai nhi.
Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên tự ý bổ sung thực phẩm chức năng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, mẹ nên nhờ bác sĩ chỉ định cho mình từng loại thuốc phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ để bổ sung an toàn.