Một số biện pháp tránh thai hiện đại
Nếu bạn chưa muốn có con hoặc đã sinh đủ số con theo lựa chọn quy mô gia đình của mình thì việc phòng tránh mang thai ngoài ý muốn là việc nên tính đến để cuộc sống luôn chủ động. Trước đây khi mỗi nhắc đến cụm từ tránh thai, phần lớn chúng ta đều nghĩ đến các phương pháp truyền thống như tính ngày rụng trứng, xuất tinh ngoài âm đạo, rồi sử dụng các BPTT hiện đại hơn bao cao su (condom), vòng tránh thai (IUD) hay uống thuốc tránh thai. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết tường tận về chúng. Ngày nay, người phụ nữ cũng đã có thêm hàng tá các lựa chọn mới về biện pháp tránh thai hiện đại và một số trong đó không chỉ đơn thuần có tác dụng tránh thai. Hãy cùng làm “test nhanh” để điểm lại các BPTT và tư vấn Bác sĩ để lựa chọn cho mình một biện pháp phù hợp nhất nhé.
Bao cao su là hàng độc quyền chỉ dành cho nam giới?
Không chính xác. Trước đây, bao cao su là công cụ tránh thai phổ biến dành cho nam giới sử dụng. Cũng có sản phẩm Bao cao su được thiết kế dành riêng cho nữ giới. Bao cao su dùng cho nữ được đặt trong âm đạo. Nó là một túi nhựa latex dẻo có tráng chất bôi trơn silicone với hai mũ chụp: mũ nhỏ kín cố định trong âm đạo chụp lấy cổ tử cung và mũ mở to trùm bên ngoài âm đạo. Khi quan hệ tình dục, dương vật di chuyển trong ống túi này nên tinh trùng không xâm nhập được vào trong tử cung.
Bao cao su dành cho nữ giới
Bao cao su như là một phương tiện bảo vệ kép trong an toàn tình dục vì bên cạnh việc ngăn tinh trùng xâm nhập vào đường sinh dục nữ còn giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều đáng tiếc là không phải lúc nào nam giới cũng có sẵn bao cao su bên người trong những tình huống bất chợt và một số trường hợp nam giới không muốn sử dụng bao cao su do dị ứng hoặc do định kiến. Bao cao su nam chỉ có thể sử dụng ngay lúc quan hệ tình dục khi dương vật đã cương cứng còn với bao cao su nữ, có thể chuẩn bị và đặt trước khi quan hệ nhiều giờ.
Đặt vòng tránh thai trong tử cung (IUD) làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung?
Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác bên ngoài buồng tử cung, thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng, nhưng cũng có thể gặp khối chửa ở buồng trứng, trong ổ bụng… Do làm tổ ở vị trí không phù hợp, thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, thậm chí đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Dụng cụ tử cung (IUD) – vòng chữ T
Dụng cụ tử cung (IUD) là các dụng cụ nhỏ có chứa nội tiết (Minera) hoặc chứa đồng (TCu380A, MTL Cu 375), khi đặt trong tử cung có vai trò như một vật cản, ngăn tinh trùng xâm nhập vào lòng tử cung, đồng thời làm biến đổi nội mạc tử cung khiến cho chúng không còn thuận lợi cho việc thụ thai, làm tổ của trứng đã thụ tinh. Có nhiều tranh cãi về viêc dụng cụ tránh thai trong tử cung (IUD) có làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung hay là không (1). Hội thầy thuốc gia đình Hoa Kỳ (American Family Association) đánh giá các bằng chứng cho thấy IUD không làm tăng nguy cơ tuyệt đối mắc chửa ngoài tử cung nhưng dường như nếu có thai trong khi sử dụng IUD thì phát triển thành thai ngoài tử cung nhiều hơn là thai trong tử cung. Tổ chức này cũng ghi nhận nguy cơ mắc thai ngoài tử cung cao hơn ở những người phụ nữ bị tổn thương ống dẫn trứng sau viêm nhiễm tiểu khung, phẫu thuật vùng chậu, tiền sử chửa ngoài tử cung và ở những người phụ nữ hút thuốc lá. IUD trên thực tế vẫn là một biện pháp tránh thai hiện tại và hiệu quả cao. Lợi ích của IUD trong kế hoạch hóa gia đình là vượt trội với chi phí cho một năm tránh thai khá rẻ. Sử dụng IUD là an toàn khi tuân thủ các điều kiện chỉ định, chống chỉ định theo đúng hướng dẫn của BYT về BPTT này.
(1).Contraception. 1995 Jul;52(1):23-34. doi: 10.1016/0010-7824(95)00120-y. (2) https://www.aafp.org/afp/2013/1001/afp20131001p459.pdf
Thuốc tránh thai nội tiết tố gây vô sinh thứ phát?
Các biện pháp tránh thai nội tiết tố bao gồm: viên uống tránh thai, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai và một số loại vòng tránh thai có nội tiết tố (vòng Minera). Miếng dán tránh thai có hiệu quả ngừa thai 1 tháng, thuốc tiêm là 3 tháng và với que cấy là 3 năm. Khi sử dụng (uống, tiêm, dán, cấy dưới da), chúng đưa vào tuần hoàn một lượng chất nội tiết tố tổng hợp có bản chất tương tự như hormone sinh dục nữ (progesterone/ progesterone + estrogen). Biện pháp tránh thai nội tiết được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam là viên uống tránh thai hàng ngày. Que cấy tránh thai và miếng dán ít được lựa chọn hơn.
Không có bằng chứng cấp độ cao cho thấy viên uống tránh thai hằng ngày gây vô sinh thứ phát. Trong một nghiên cứu năm 2018 tổng hợp từ 22 nghiên cứu khác với sự tham gia của hơn 14000 phụ nữ kết luận rằng thuốc ngừa thai hằng ngày và thời gian sử dụng chúng không ảnh hưởng xấu đến khả năng có thai trong tương lai và không làm trì hoãn thời gian mang thai lại. Nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ mang thai sau khi ngừng thuốc ngừa thai hằng ngày trong 12 tháng đầu lên tới 88% và không khác biệt so với các phương pháp tránh thai khách như đặt vòng, BCS, tính ngày phóng noãn.
Có thực sự viên uống tránh thai giúp trị mụn ở nữ giới?
Có một số loại thuốc tránh thai kết hợp được chứng minh có hiệu quả với mụn trứng cá và làm cho da mịn hơn và đây cũng là một tác dụng thứ phát phái sinh ngoài tác dụng tránh thai. Tuy nhiên, mức độ tác dụng cũng còn tùy cơ địa và không phải tất cả các loại thuốc tránh thai đều có tác dụng này. Thậm chí một số loại thuốc chứa progestin hoạt tính adrogen mạnh có thể làm tăng mọc mụn. Mụn trứng cá được kích hoạt bởi sự sản xuất quá nhiều bã nhờn ở các tuyến dưới da. Chất bã nhờn có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn góp phần gây ra mụn trứng cá. Tuyến bã nhờn dưới da được kích thích bởi androgen. Ở người phụ nữ, buồng trứng và tuyến thượng thận thường sản xuất ra một lượng nhỏ androgen nhưng một lượng nhỏ nồng độ androgen tự do cao hơn lưu hành trong máu có thể kích thích tăng tiết bã nhờn. Viên uống tránh thai kết hợp chứa cả estrogen và progesterone có thể làm giảm lượng androgen trong cơ thể. Điều này dẫn đến ít bã nhờn và mụn trứng cá ít nghiêm trọng hơn.
Viên uống tránh thai kết hợp (estrogen + progestin) là BPTT hiện đại khá phổ biến hiện nay.
Thuốc tránh thai chỉ hoạt động trên một yếu tố liên quan đến mụn trứng cá - đó là bã nhờn dư thừa do căn nguyên nội tiết nên trong trị liệu hoàn chỉnh mụn trứng cá, các bác sĩ thường kê toa với các hình thức điều trị mụn trứng cá khác nhau như thuốc bôi tại chỗ hoặc kháng sinh và làm sạch da. Nếu bạn bị mụn trứng cá nghiêm trọng cùng với kinh nguyệt không đều, lông mặt nhiều quá mức hoặc béo phì, có thể cần phải làm thêm xét nghiệm để đánh giá một số bệnh lý nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang.
Ngoài trị mụn, một số viên uống tránh thai kết hợp còn được Bác sĩ cân nhắc sử dụng cho các mục đích khác ngoài tác dụng tránh thai, chẳng hạn như dời ngày hành kinh.
Thắt ống dẫn tinh rồi vẫn có thể sinh con?
Thắt ống dẫn tinh là thủ thuật triệt sản nam trong đó, ống dẫn tinh, đường dẫn tinh trùng từ nhà máy sản xuất là tinh hoàn đến túi tinh dự trữ và phóng thích ra ngoài trong lần giao hợp được cắt và thắt lại. Khi thắt ống dẫn tinh, tinh trùng sản xuất ra sẽ không có đường thoát và sẽ tự tiêu biến đi, các chất nội tiết do tinh hoàn tiết ra vẫn giữ nhịp độ sản xuất như trước, vẫn sẽ được thấm vào máu và phát huy tác dụng giúp người nam vẫn có đầy đủ các đặc điểm giới tính nam và trong vòng 1-2 tuần sau thắt ống dẫn tinh, vẫn còn một lượng nhất định tinh trùng dự trữ sẵn rong túi tinh nên vẫn có thể sinh con theo cách truyền thống nếu có quan hệ trong thời điểm này. Nam giới sau thắt ống dẫn tinh vẫn có khả năng sinh tinh trùng nên vẫn có thể sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản (chọc hút tinh trùng và thụ tinh trong ống nghiệm). Phẫu thuật nối ống dẫn tinh cũng có để được thực hiện để khôi phục lưu thông của ống như bình thường. Như vậy, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các BPTT vĩnh viễn như trước đây thực chất vẫn có thể khả hồi.
Một số thông tin cần biết trước khi đặt vòng tránh thai
Đặt vòng tránh thai (IUD) là một phương pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả bảo vệ phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cao và có thể duy trì lâu dài. Tuy nhiên, giống như mọi biện pháp tránh thai khác, IUD không phù hợp với tất cả mọi người. Do vậy, bạn nên tìm hiểu các kỹ thông tin về nó và tham vấn kỹ Bác sĩ trước khi quyết định sử dụng dịch vụ này.
Vòng tránh thai là gì?
Phương pháp tránh thai bằng cách đặt một dụng cụ nhỏ bằng plastic có các cánh quấn đồng được phát triển và áp dụng trong kết hoạch hóa gia đình từ hàng chục năm trước. Ở Việt Nam hiện tại có nhiều loại dụng cụ tử cung song phổ biến nhất là hai loại IUD là Tcu380 và MTLCu375. Ngoài ra còn có loại dụng cụ tử cung có cánh dài chứa hệ giải phóng nội tiết tố progestin được xếp vào nhóm IUS (intrauterine system).
Ưu điểm của phương pháp tránh thai bằng IUD
• Hiệu quả phòng vệ cao, lên tới 97% và hiệu lực duy trì trong thời gian dài, lên tới 5-10 năm. Thích hợp với những cặp vợ chồng chưa muốn có con hoặc trì hoãn sinh nở trong một thời gian dài
• Biện pháp tránh thai khả hồi, có thể tháo vòng đặt ra nếu có nhu cầu sinh con
• Có thể giúp giảm đau bụng kinh và điều tiết kinh nguyệt
• Không ảnh hưởng đến việc điều tiết lượng sữa và chăm con
Nhược điểm:
• IUD không có tác dụng ngăn ngừa STI
• Có nguy cơ tăng nhẹ khả năng có thai ngoài tử cung dù tỷ lệ thấp
• Có thể gây tình trạng tăng tiết dịch âm đạo
• Có thể bị tụt vòng, mất vòng trong một số ít trường hợp khiến cho biện pháp thất bại
Chống chỉ định đặt vòng tránh thai ở:
• Phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.
• Người mắc các bệnh về lây nhiễm qua đường tình dục, các bệnh lý ác tính đường sinh dục, viêm vùng chậu (PID)
• Người có tiền sử bị dị tật bẩm sinh tại tử cung hoặc u xơ tử cung.
• Rong kinh, rong huyết chưa rõ nguyên nhân
• Sa sinh dục độ II, III
• Người sau nạo hút, phá thai.
Một số trường hợp sẽ cần thận trọng khi đặt vòng tránh thai, bao gồm người có tiền sử thai ngoài tử cung, bệnh van tim sau thấp, dị ứng với kim loại đồng (Wilson) hoặc mắc các bệnh lý nội khoa mạn tính có suy gan, suy thận
Đặt vòng tránh thai thích hợp nhất khi nào?
Thời điểm thích hợp nhất để đặt IUD là sau khi sạch kinh và chưa thực hiện quan hệ tình dục. Lúc này, cổ tư cung chỉ hơi hé, quá trình đặt vòng trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giảm bớt cảm giác đau và máu ra ít hơn sau đặt. Đối với phụ nữ sau sinh thường, thời điểm đặt vòng thường là sau 6 tuần. Với sản phụ sinh mổ, thời gian đặt vòng là muộn hơn, tối thiểu là 3 tháng để tử cung ổn định trở lại tránh nguy cơ tụt mất vòng.
IUD được đặt như thế nào?
Để việc thực hiện thủ thuật an toàn, IUD cần được đặt tại các cơ sở y tế đủ điều kiện về trang thiết bị và cán bộ y tế được đào tạo bài bản thuần thục về kỹ thuật. Trước khi đặt vòng, chị em phụ nữ sẽ được Bác sĩ tư vấn đầy đủ các thông tin về phương pháp và thông tin về loại vòng sẽ đặt. Khi khách hàng đồng ý sử dụng IUD, Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám phụ khoa để đánh giá xác định kích thước tử cung, vị trí đặt vòng và lựa chọn cỡ vòng phù hợp. Sau đó, Bác sĩ sẽ mở âm đạo bằng mỏ vịt và khử trùng làm sạch âm đạo, đo kích thước buồng tử cung bằng thước đo chuyên dụng. Vòng tránh thai IUD sau đó được đưa vào vị trí qua cần đặt vòng. Khi vòn vào đến đến vị trí đã xác định, Bác sĩ sẽ rút cần đặt, cắt dây vòng khoảng 2cm và vòng mở rộng hình chữ T trong buồng tử cung.
Đặt IUD là một thủ thuật xâm nhập và sau đặt vòng chị em cần theo dõi các dấu hiệu toàn trạng và phụ khoa như tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo… và thực hiện theo các chỉ dẫn của Bác sĩ.
Đặt vòng tránh thai có thể gặp những biến chứng gì?
• Viêm nhiễm phụ khoa
• Thủng tử cung
• Xuất huyết âm đạo: thông thường xảy ra trong khoảng vài ngày đến 1 tuần. Nếu kéo dài, bạn nên khám Bác sĩ để đánh giá lại
• Có thể gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố với các biểu hiện như căng tức ngực, chậm kinh…
Một số lưu ý khác:
• Sau khi thực hiện đặt vòng bạn cần hạn chế thực hiện các vận động mạnh làm tăng áp lực ổ bụng, không thụt rửa âm đạo nhiều lần và kiêng quan hệ tình dục từ 7- 10 ngày để tránh làm tụt, lệch vị trí đặt vòng.
• Để tránh nguy cơ nhiễm trùng, không đặt IUD trong thời gian bị viêm nhiễm đường sinh dục hoặc có bệnh STI
• Sau khi đặt vòng nếu nhận thấy các triệu chứng viêm nhiễm như dịch âm đạo ra bất thường, khí hư có mùi hôi, ngứa ngáy hoặc ra máu nhiều ở âm đạo thì cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám lại và điều trị kịp thời.
Khuyến nghị: Các nội dung trên web chỉ nhằm mục đich cung cấp thông tin về phòng khám. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các hậu quả của việc áp dụng các thông tin giáo dục truyền thông cho mục đích tự chẩn đoán và điều trị. Trong mọi trường hợp khách hàng cần khám và thực hiện theo y lệnh bởi bác sĩ...