KHÁM THAI ĐỊNH KỲ
Tại sao phải khám thai định kỳ?
Mang thai và sinh nở là một việc hệ trọng đối với người phụ nữ. Khoa học đã chứng minh, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và em bé trong giai đoạn đặc biệt này, bao gồm các yếu tố về gen di truyền, các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, các yếu tố về dinh dưỡng, tâm lý và nhiều vấn đề khác. Chính vì vậy, ngay từ khi có kế hoạch làm mẹ, chị em phụ nữ cần định kỳ thăm khám kiểm tra sức khỏe của mình để có sự chuẩn bị tốt nhất. Khám thai định kỳ giúp các Bác sĩ theo dõi, đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và bé một cách có hệ thống nhằm can thiệp điều trị kịp thời cho "mẹ tròn, con vuông". Qua khám thai định kỳ người mẹ còn có cơ hội được Bác sĩ tư vấn chăm sóc sức khỏe đúng cách để em bé có thể phát triển một cách toàn diện nhất ngay từ trong bụng mẹ.
Mẹ bầu khám thai tại Phòng khám Bác sĩ Khanh, số 565 đường Giải Phóng
Khám thai định kỳ bắt đầu vào thời điểm nào?
Việc khám thai định kỳ được thực hiện tại một số thời điểm xác định trước trong thai kỳ: lúc bắt đầu mang thai, tuần thứ 11 - 13, tuần 22-28, tuần 28 -32, mỗi hai tuần một lần từ tuần thứ 32- 38, khám trước sinh tại thời điểm tuần 39. Lần khám thai lần đầu tiên nên được thực hiện trong giai đoạn thai nhi từ 5-8 tuần tuổi. Trên thực tế, ngay khi nghi ngờ có thai (chậm kinh, que thử thai dương tính, dấu hiệu ốm nghén...) bạn nên liên hệ sớm với Bác sĩ để lên lịch cho lần khám thai đầu tiên này.
Đặt lịch khám thai lần đầu ngay khi bạn nghĩ mình đã có thai
Bác sĩ khám thai như thế nào?
Bác sĩ sẽ bắt đầu buổi thăm khám bằng việc đặt các câu hỏi để thu thập các thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe của người mẹ bao gồm các thông tin cá nhân về tên tuổi, địa chỉ, tiền sử sản khoa, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình, kỳ kinh cuối cùng, các dấu hiệu và tình trạng thai nghén, thai máy, tăng cân, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của các bệnh và các yếu tố khác như tâm lý, điều kiện sinh hoạt và lao động… Tiếp đến, Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng đánh giá sức khỏe toàn trạng, ghi nhận các thông số như chiều cao, cân nặng, huyết áp … và thăm khám sản khoa như xem xét vết mổ cũ, tình trạng hở eo cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nhiễm phụ khoa, đánh giá tình trạng nội tiết của người mẹ. Một số xét nghiêm có thể được chỉ định như xét nghiệm khẳng định mang thai, sinh hóa máu, nước tiểu, siêu âm thai, soi cổ tử cung và sàng lọc các bệnh lý nguy hiểm ở cổ tử cung, các xét nghiệm đánh giá bất thường nhiễm sắc thể và chẩn đoán sớm dị tật thai nhi. Các thông tin và bằng chứng thu thập được qua hỏi bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm sẽ giúp Bác sĩ đưa ra các đánh giá về tình trạng sức khỏe thai kỳ của mẹ và bé, cập nhật hồ sơ quản lý thai, tư vấn kế hoạch theo dõi chăm sóc thai kỳ, can thiệp điều trị, tiêm vaxcin dự phòng bệnh truyền nhiễm, bổ sung dinh dưỡng, tư vấn can thiệp chuyên sâu và các kế hoạch giúp người mẹ “vượt cạn” thành công.
Hình ảnh: Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân khám thai tại PK Dr Khanh
Thời điểm khám thai định kỳ và mục đích đánh giá tầm soát
Thời điểm khám thai định kỳ trong thai kỳ bình thường và mục đích đánh giá lâm sàng được giới thiệu trong bảng sau. Với mẹ bầu có chu kỳ kinh nguyệt đều, có thể ước tính tuần tuổi thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Tuần tuổi thai cũng có thể được Bác sĩ đánh giá trên siêu âm thai.
Thời điểm khám thai (tuần tuổi thai)
|
Đánh giá lâm sàng
|
Xét nghiệm
|
Thai 5 – 8 tuần
|
Xác định chắc chắn có thai hay khồng và vị trí làm tổ của thai, Đánh giá sức khỏe toàn trạng của người mẹ: BMI, huyết áp, các bệnh lý nền
|
Xét nghiệm nước tiểu, hCG, CTM, sinh hóa máu cơ bản, siêu âm kiểm tra vị trí, tuần tuổi thai và phát hiện bất thường, sàng lọc sớm dị tật - NIPT
|
Thai 11 – 13 tuần
|
Đánh giá toàn trạng sức khỏe người mẹ theo dấu mốc thai kỳ, tư vấn và chỉ định các xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện dị tật thai nhi.
|
Siêu âm hình thái, đo độ mờ da gáy, Double Test, đo nhịp tim thai, kiểm tra dị dạng chi, kiểm tra thoát vị cơ hoành, xét nghiệm Thalassemia ...
|
Thai 22 – 28 tuần
|
Đánh giá toàn trạng sức khỏe người mẹ: tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu, đo huyết áp, đánh giá tiểu đường thai kỳ. Theo dõi, đánh giá sự phát triển thai nhi ...
|
Siêu âm hình thái.
Xét nghiệm máu, bất đồng nhóm máu Rh, Xét nghiệm nước tiểu. Nghiệm pháp dung nạp Glucose 75g -2h
|
Thai 28 -32 tuần
|
Đánh giá toàn trạng người mẹ và tình trạng phát triển thai nhi qua các chỉ số và đấu mốc thai kỳ
|
Siêu âm hình thái
Xét nghiệm máu, nước tiểu
|
Thai 33 – 38 tuần
|
Đánh giá sức khỏe người mẹ và theo dõi tình trạng phát thai nhi, ngôi thai, cử động thai, phát hiện các bất thường, tiêm phòng uốn ván sơ sinh
|
Siêu âm hình thái
Xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu
Non Stress Test (NST)
|
Từ tuần 39
|
Khám trước sinh và tiên lượng cuộc đẻ, kiểm tra cổ tử cung, khám và tư vấn chuẩn bị chuyển dạ và làm mẹ an toàn.
|
Siêu âm theo dõi thai nhi, tình trạng nước ối, bánh rau, dây rốn... Kiểm tra khung chậu người mẹ. Thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước sinh.
|
Một số lưu ý dành cho mẹ bầu đến khám tại phòng khám Bác sĩ Khanh:
• Mẹ bầu nên đặt lịch trước với bộ phận lễ tân để được sắp xếp, tiếp đón và chăm sóc chu đáo nhất;
• Chú ý “Lắng nghe cơ thể bạn” để nhận biết và báo ngay cho Bác sĩ biết những triệu chứng bất thường khiến bạn cảm thấy không an tâm.
• Luôn mang theo các tư liệu của lần khám trước đó như sổ khám, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc... để Bác sĩ có thể đối chiếu theo dõi và cập nhật nhanh chóng trên hồ sơ, phần mềm quản lý thai sản.