Trang
Sản phụ khoa

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Phát hiện ung thư cổ tử cung bằng cách nào?


 

Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?

Đây là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô vảy hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung khiến chúng phát triển bất thường và không có kiểm soát dần hình thành nên các khối u trong cổ tử cung. Các tế bào ác tính có đặc tính mất kiểm soát, khi khối u phát triển to ra thường hay xâm lấn và tác động đến các cơ quan lân cận và thường gặp di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng. Ung thư cổ tử cung cũng được coi là sát thủ thầm lặng vì phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh ở giai đoạn sớm do bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật và thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm.

 

Ung thư cổ tử cung có phổ biến không? 
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Theo số liệu của WHO, mỗi năm trên thế giới có tới trên 500,000 ca mắc mới và có tới 250,000 ca tử vong do bệnh lý này. Số mắc mới hàng năm ở Việt Nam được báo cáo khoảng 4,000 – 5,000 ca và cũng có tới 2000 ca tử vong.

Nguyên nhân của ung thư cổ tử cung?
Nhiễm HPV (Human Papilloma virus: loại virus gây u nhú ở người) được coi là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Trong khi nhiều loại HPV chỉ gây ra mụn cóc sinh dục, thì có một số type HPV, đặc biệt là type 16,18, 31,35 có thể gây ra các biến đổi ác tính ở tế bào cổ tử cung. Sự biến dạng của những tế bào này xảy ra trước khi ung thư xuất hiện được gọi là loạn sản hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung (CIN). Xét nghiệm tầm soát HPV và tiêm vaxcin dự phòng ung thư cổ tử cung từ sớm do vậy rất có ý nghĩa giúp phòng ngừa mắc ung thư cổ tử cung sau này.

Dấu hiệu nào giúp nhận biết ung thư cổ tử cung?
Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ban đầu của ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng do bệnh tiến triển khá thầm lặng và khó nhận biết. Ra máu bất thường ở âm đạo giữa kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ thường là dấu hiệu đầu tiên. Một số dấu hiệu khác có thể có nhưng không đặc hiệu như Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục; dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi. Các dấu hiệu của khối u đã phát triển và xâm lấn cơ quan lân cận có thể bao gồm đau vùng chậu, tiểu tiện bất thường (chèn ép bàng quang) và sưng phù chi dưới (tắc tĩnh mạch chi dưới).

Ai có thể mắc ung thư cổ tử cung?
Vi-rút HPV là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung và một số phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn, bao gồm: người có nhiều bạn tình hoặc bạn tình của họ có quan hệ tình dục với nhiều người, bản thận hoặc bạn tình bị mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), chẳng hạn như chlamydia. Một số cá nhân có quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên, cá nhân có tiền sử bị loạn sản cổ tử cung, gia đình có tiền sử bị ung thư cổ tử cung, mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch, hút thuốc lá.

Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung?
Xét nghiệm Pap kết hợp với xét nghiệm HPV có thể giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung được thực hiện một cách rất nhanh chóng và không đau đớn qua thăm khám phụ khoa. Sau khi đặt mỏ vịt vào âm đạo để bộc lộ cổ tử cung người bệnh, bác sĩ sẽ dùng một bàn chải mềm và một dụng cụ lấy mẫu Pap để lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung. Mẫu tế bào sẽ được làm tế bào học và gửi đi giải phẫu bệnh để đọc kết quả trên lam kính. Ngoài xét nghiệm Pap kinh điển, một xét nghiệm khác tiên tiến hơn có thể thực hiện là thinprep pap test xử lý tiêu bản tế bào cổ tử cung và đọc kết quả bằng máy tự động. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán ví dụ như sinh thiết cổ tử cung.  Một khi chẩn đoán ung thư cổ tử cung đã được xác định, Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng, tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác gần cổ tử cung và làm một số xét nghiệm như nội soi bàng quang hoặc trực tràng để đánh giá mức độ xâm lấn, di căn của khối u. 
Tùy theo giai đoạn, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật (cắt tử cung), xạ trị, hóa trị liệu. Sau khi điều trị, cần xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên trong vài năm đầu để theo dõi kết quả.
Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung?
Tiêm vắcxin phòng ngừa HPV được coi là biện pháp hiệu quả duy nhất giúp chủ động phòng tránh ung thư cổ tử cung và độ tuổi an toàn để tiêm vắcxin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi. Để tiêm phòng vaxcin, chị em phụ nữ cần khám sàng loc và xét nghiệm HPV trước. Với chị em phụ nữ chưa được tiêm phòng, việc sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng PAP test + xét nghiệm HPV trong khám phụ khoa định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh sớm bệnh và nhờ vậy việc điều trị có thể hiệu quả hơn.

Lưu ý: các nội dung trên website này chỉ nhằm mục đich cung cấp thông tin liên quan tới hoạt động của phòng khám. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các hậu quả của việc áp dụng các thông tin giáo dục truyền thông cho mục đích tự chẩn đoán và điều trị. Trong mọi trường hợp khách hàng cần khám và thực hiện theo y lệnh bởi bác sĩ...

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.