Trang
Sản phụ khoa

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Tìm hiểu về bệnh nhiễm Chlamydia sinh dục


Nhiễm Chlamydia sinh dục là bệnh gì?

Nhiễm Chlamydia sinh dục là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra do chủng vi khuẩn có tên là Chlamydia trachomatis. Đây là loại vi khuẩn gram âm, ký sinh nội bào, chúng gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau từ viêm niệu đạo, viêm mào tinh ở nam giới, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, bệnh hột xoàn, bệnh viêm vùng chậu (PID) ở nữ giới, viêm trực tràng và viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter: tổn thương viêm nhiễm cùng lúc ở mắt, niệu đạo, khớp) ở cả nam và nữ. Thống kê cho thấy, nhiễm Chlamydia Trachomatis có thể chiếm tới 30% số ca viêm nhiễm sinh dục với các triệu chứng lâm sàng như tiết dịch mủ từ âm đạo, đau bụng dưới, ra máu sau giao hợp hoặc ra máu giữa kỳ kinh, đái buốt, đái khó và viêm chậu hông (PID). Đây là biến chứng nguy hiểm vì tình trạng viêm dính cơ quan sinh dục có thể dẫn tới vô sinh. Chlamydia lây qua các dịch tiết nên có thể truyền từ người bệnh sang người lành khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường âm đạo, hậu môn, miệng hoặc tiếp xúc trực tiếp với mô bị nhiễm bệnh như kết mạc mắt.

Nhiễm Chlamydia sinh dục có thể có thể gây biến chứng nặng viêm vùng chậu (PID)

Một số bệnh cảnh nhiễm Chlamydia:
Viêm cổ tử cung:
Đa số bệnh nhân viêm cổ tử cung không có triệu chứng, chỉ khoảng 1/3 có dấu hiệu tại chỗ, thường gặp tiết dịch nhầy mủ hoặc dịch trong, lộ tuyến phì đại với biểu hiện phù nề, xung huyết cổ tử cung, cổ tử cung dễ chảy máu hoặc xuất huyết lấm tấm sau giao hợp. Nhuộm gram dịch tiết cổ tử cung thấy có trên 30 BC trên một vi trường, Swab Test dương tính, tăm bông quệt vào tử cung có dịch tiết màu vàng.
Viêm niệu đạo:
Viêm niệu đạo do chlamydia trachomatis thường gặp ở những phụ nữ trẻ có hoạt động tình dục mạnh hoặc có bạn tình mới, đặc biệt khi bạn tình xuất hiện triệu chứng viêm niệu đạo. Các dấu hiệu gợi ý bao gồm tiết dịch niệu đạo, miệng niệu đạo đỏ hoặc phù nề, đái khó, đái buốt, tiết dịch ở cổ tử cung hoặc viêm cổ tử cung. Phần lớn bệnh nhân bị viêm niệu đạo do chlamydia trachomatis không có triệu chứng lâm sàng.
Viêm tuyến Bartholin:
Chlamydia trachomatis cũng gây viêm xuất tiết ống tuyến Bartholin tương tự như bệnh lậu. Viêm tuyến Bartholin có mủ có thể là do Chlamydia trachomatis đơn thuần hoặc phối hợp với lậu cầu.
Viêm nội mạc tử cung:
Hơn 50% bệnh nhân viêm cổ tử cung và viêm vòi trứng cũng bị viêm nội mạc tử cung do vi khuẩn gây viêm lan. Nếu không điều trị khi mang thai, sản phụ có thể bị nhiễm trùng và viêm nội mạc tử cung sau đẻ
Viêm vòi trứng:
Viêm vòi trứng là biến chứng của viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis với những triệu chứng khá mờ nhạt hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiêu, hậu quả có thể gây sẹo ống dẫn trứng dẫn đến thai ngoài tử cung (9%) và vô sinh nữ (14- 20%).
Viêm quanh gan:
Viêm nhiễm do Chlamydia từ cổ tử cung có thể lan vào nội mạc tử cung, vòi trứng rồi lan tới cơ hoành phải gây viêm quanh gan với biểu hiện đau hạ sườn phải, sốt, buồn nôn hoặc nôn. Viêm quanh gan có thể xảy ra sau hoặc cùng lúc với viêm vòi trứng.
Nhiễm Chlamydia ở trẻ sơ sinh: 
Chlamydia cũng có thể được truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang con khi sinh con qua đường âm đạo. Hai bệnh cảnh thường thấy ở trẻ sơ sinh nhiễm Chlamydia là viêm kết mạc và viêm phổi. Viêm kết mạc do Chlamydia xuất hiện trong vòng 5- 15 ngày sau sinh và thường chỉ bị một bên với các triệu chứng như phù bờ mi, viêm kết mạc mủ, sưng đỏ tấy kết mạc.
Nhiễm Chlamydia sinh dục cấp tính có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng một số loại thuốc kháng sinh như Azithromycin, Doxicyclin, kháng sinh nhóm quilonon như Levofloxacin. Tuy nhiên, vì phần lớn các nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục do Chlamydia chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không đặc hiệu ở phụ nữ, bệnh có thể âm thầm diễn tiến thành mạn tính và sinh ra các biến chứng. Khi đó, việc điều trị trở lên khó khăn và tốn kém. Vì vậy, những người không có triệu chứng nhưng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ nên chủ động khám sàng lọc Chlamydia. Với phụ nữ mang thai, sàng lọc chlamydia được thực hiện trong lần khám đầu tiên của họ trước khi sinh; những người < 25 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ sẽ được kiểm tra lại trong quý thứ 3 của thai kỳ. Sàng lọc và điều trị cho phụ nữ mang thai là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm chlamydia ở trẻ sơ sinh, bao gồm viêm kết mạc và viêm phổi. Dự phòng mắt ở trẻ sơ sinh với erythromycin hoặc các chế phẩm khác không ngăn ngừa được viêm kết mạc do chlamydia ở trẻ sơ sinh.
Xét nghiệm sàng lọc nhiễm Chlamydia được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm Chlamydia có thể thực hiện bằng quick test hoặc PCR với mẫu bệnh phẩm là dịch tiết niệu đạo, âm đạo, đại tràng, nước tiểu, dịch mũi họng…tùy theo vị trí tổn thương nghi ngờ. Ngoài ra cũng có thể xét nghiệm tìm kháng thể Chlamydia trong mẫu huyết thanh hoặc chẩn đoán bằng phương pháp nuôi cấy tế bào.
Những lưu ý cho việc điều trị nhiễm Chlamydia sinh dục:
Việc điều trị cần thực hiện cho cả cặp bạn tình, kể cả với các cặp đôi quan hệ tình dục đồng giới. Phụ nữ nhiễm Chlamydia đang mang thai vẫn cần điều trị. Nếu phát hiện các bệnh STD đồng mắc, cần điều trị kết hợp. Sử dụng thuốc kháng sinh cần tuân thủ đúng liệu trình theo hướng dẫn của Bác sĩ. Thực hành tình dục an toàn và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ là cách chủ động để giữ mình luôn khỏe mạnh và an toàn tránh mắc các bệnh STD như chlamydia.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.