Mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ không còn hiện tượng hành kinh mỗi tháng do sự suy giảm chức năng buồng trứng, buồng trứng ngưng hoạt động và ngừng tiết các nội tiết tố nữ. Tuổi mãn kinh ở phụ nữ Việt Nam thường trong giai đoạn từ 45 – 55 tuổi nhưng sự suy giảm hoạt động của hệ trục nội tiết não bộ - tuyến yên – buồng trứng đã diễn ra một cách tự nhiên từ trước đó một vài năm (khoảng 40 tuổi) tạo ra các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh. Ở một số người, quá trình này có thể xảy ra sớm ngay từ trước 35 tuổi và một số người có thể diễn ra sau 50 tuổi. Trong khi ở phần lớn các trường hợp, các xáo trộn tiền mãn kinh không ảnh hưởng đáng kể thì có một tỷ lệ nhất định, sự thay đổi nội tiết tố giai đoạn tiền mãn kinh lại gây ra các rối loạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý và chất lượng sống của chị em phụ nữ. Các triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh có thể xảy ra trên nhiều cơ quan từ sinh dục – tiết niệu, thần kinh, tâm thần, tim mạch, da, cơ, xương…
1. Rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều là hiện tượng thường gặp nhất với chu kỳ kinh có thể dài hoặc ngắn hơn bình thường, khoảng cách giữa các lần hành kinh cũng có thể thất thường khiến cho rất khó tính được ngày rụng trứng. Lượng máu kinh cũng thay đổi, có thể nhiều hơn hoặc ít đi, thậm chí mất kinh ở một số chu kỳ.
2. Cơn bốc hỏa: cảm giác nóng bừng đột ngột, thường là xung quanh mặt và phần trên cơ thể, thường kèm theo vã mồ hôi, tim đập nhanh gây cảm giác nôn nao, khó chịu
3. Chóng mặt, đau nửa đầu
4. Mất ngủ, gián đoạn giấc ngủ
5. Trầm cảm, rối loạn lo âu và thay đổi tâm trạng (dễ cáu gắt)
6. Giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung
7. Rối loạn chức năng tình dục, giảm sinh thú
8. Khô teo âm đạo và âm hộ
9. Tiểu són, nhiễm trùng tiết niệu
10. Rối loạn chuyển hóa, chậm chuyển hóa gây tăng cân bất thường, tăng cholesterol máu
11. Rụng tóc, sạm da, khô da, gãy móng, khô mắt
12. Mất xương, loãng xương và một số triệu chứng rối loạn khác
Điều trị các rối loạn Tiền Mãn Kinh là điều trị triệu chứng và các Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn các trị liệu bổ trợ như thay đổi lối sống, chống loãng xương, dinh dưỡng và tập luyện đúng cách, tiếp đến là cân nhắc trị liệu bổ sung hormon thay thế và các thuốc điều trị triệu chứng khác.
Những thay đổi tích cực trong lối sống bao gồm tập thể dục đều đặn hàng ngày, tránh lạm dụng chất (bia rượu, thuôc lá), đảm bảo ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi ngày), duy trì BMI trong giới hạn bình thường. Chế độ dinh dưỡng nên tăng cường chất đạm, acid béo nhóm omega 3, chất xơ và canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Trong trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh của bạn trở lên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống, Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định hormon thay thế nhằm bổ sung estrogen / progesteron thiếu hụt theo đường toàn thân hoặc tại chỗ. Một số thuốc có tác động trên chuyển hóa như chống mất xương, các thuốc có hoạt tính trên thần kinh giúp điều chỉnh khí sắc, cải thiện sự tỉnh táo, tập trung hay chống chóng mặt, đau nửa đầu tùy theo từng bệnh cảnh. Chị em phụ nữ không nên tự ý dùng thuốc theo quảng cáo mà nên tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ để việc sử dụng thuốc được an toàn và hiệu quả.