Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Làm thế nào để phát hiện tiểu đường thai kỳ?


Tiểu đường thai kỳ là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiểu đường thai kỳ “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Thông thường, tình trạng này khó phát hiện vì triệu chứng thầm lặng và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh. Mặc dù vậy, nó có thể đem lại nhiều nguy cơ cho mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách. Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường như tăng huyết áp, tăng nguy cơ xẩy thai, thai lưu, sinh non, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, tăng tỷ lệ sinh mổ và về lâu dài, có thể tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2.
Với thai nhi, tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn ba tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh. Những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Ở giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ, việc tăng vận chuyển glucose từ máu mẹ vào thai kích thích tuyến tụy thai nhi tăng tiết insulin, tăng nhu cầu năng lượng và làm thai nhi tăng trưởng quá mức, gây mất cân xứng giữa kích thước thai và tiểu khung người mẹ khiến cho việc sinh nở theo đường tự nhiên khó thực hiện. Tiểu đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng hạ glucose máu và các bệnh lý chuyển hóa sơ sinh, tử vong sau sinh, chứng tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh, bệnh lý hô hấp và về lâu dài có liên quan tới tỷ lệ mắc cao tiểu đường type 2, thừa cân, béo phì… ở trẻ.
Tiểu đường thai kỳ được điều trị bằng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp + theo dõi đường máu liên tục. Nếu không đạt kết quả đường máu mục tiêu, Bác sĩ sẽ xem xét chỉ định kiểm soát đường máu bằng insulin.

Ai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ?

Thống kê cho thấy, tiểu đường thai kỳ có thể chiếm từ 3-7% số phụ nữ mang thai và những mẹ bầu thuộc các nhóm sau có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ:

-  Mẹ bầu thừa cân, béo phì;

- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường;

- Tiền sử sinh con ≥ 4kg;

- Tiền sử bất dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ lần mang thai trước, glucose niệu dương tính;

-  Mẹ bầu lớn tuổi trên ≥ 35 tuổi;

- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu hoặc sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai có dị tật;

- Hội chứng buồng trứng đa nang.

Phát hiện tiểu đường thai kỳ bằng cách nào?

Tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể phát hiện được và kiểm soát tốt nhờ khám sàng lọc trong khám thai định kỳ. Mẹ bầu có nguy cơ cao nên thực hiện sàng lọc ngay từ những tháng đầu của tam cá nguyệt đầu tiên bằng cách xét nghiệm nồng độ đường máu lúc đói và HbA1c để loại trừ bệnh tiểu đường tiềm ẩn. Nếu nồng độ glucose máu > 7 mmol/L hoặc Glucose máu ở thời điểm bất kỳ > 11,1 mmol/L hoặc HbA1c > 6.5% thì được chẩn đoán đái tháo đường lâm sàng. Nếu nồng độ Glucose máu lúc đói > 5,1 mmol/l nhưng dưới 7 mmol/L thì nhiều khả năng là tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu có sẵn bệnh nền là tiểu đường cần được điều trị tại chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường. 
Ở tuần 24 - 28, mẹ bầu, đặc biệt là những người yếu tố nguy cơ cao, có thể thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 75 g – 2 giờ để phát hiện tiểu đường thai kỳ. 
Bác sĩ chỉ định nghiệm pháp sẽ hướng dẫn mẹ bầu các bước chuẩn bị và quy trình thực hiện. Nghiệm pháp này giúp đánh giá nồng độ glucose máu mẹ lúc đói và ở thời điểm sau khi mẹ bầu uống 75g đường 1 giờ và 2 giờ. Theo tiêu chuẩn được nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường và thai kỳ Quốc tế IADPSG (International Association of Diabetes and Pegnancy Study Groups) và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA (American Diabetes Association), Test âm tính nếu kết quả đường máu lúc đói < 5.1 mmol/L, đường máu sau 1 giờ uống 75g đường < 10,0 mmol/L và sau 2 giờ < 8.5mmol/L. Nếu ngược lại ở một trong các thông số xét nghiệm trên thì thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
Xét nghiệm đường trong nước tiểu không có ý nghĩa trong chẩn đoán tiểu đường. Tuy nhiên, nó lại giúp củng cố các thông tin có ý nghĩa liên quan tới bệnh nền và sức khỏe thai kỳ và cần thực hiện khi khám thai định kỳ hay khám sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.