Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Gợi ý cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà cho mẹ bầu chủ động kiểm tra sức khỏe


Tiểu đường thai kỳ là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng kiểm tra nguy cơ này mà không cần đến bệnh viện với cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà. Chỉ với vài bước đơn giản, bạn sẽ có thể theo dõi sức khỏe thai kỳ một cách chủ động để kịp thời liên hệ với bác sĩ chuyên khoa trong trường hợp cần thiết.

Cách thử đường huyết tại nhà cho mẹ bầu tiểu đường

Thử tiểu đường thai kỳ tại nhà là cách giúp mẹ bầu theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu một cách thường xuyên. Thông thường để thử đường huyết tại nhà, mẹ bầu sẽ sử dụng máy đo đường huyết mao mạch, các bước thực hiện:

Bước 1: Vệ sinh tay

Đây là bước quan trọng đầu tiên để đảm bảo an toàn và có một kết quả chính xác cao. Bởi nếu không rửa tay sạch, đặc biệt là phần đầu ngón tay thì các chất bẩn, mồ hôi của bạn có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra. Có 2 cách để vệ sinh tay:
  • Sử dụng xà phòng: Rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó dùng khăn sạch để lau khô.
  • Sử dụng cồn 70 độ: Mẹ bầu nên sử dụng miếng bông gạc để thấm cồn rồi lau cả bàn tay thật sạch.
  • Lưu ý: Mẹ bầu sau khi vệ sinh tay cần lau tay khô trước khi sử dụng máy đo tiểu đường.

Bước 2: Chuẩn bị máy đo và que thử đường huyết

Các bước chuẩn bị:
  • Lấy que thử: Mẹ bầu mở nắp lọ que thử, lấy ra một que để sử dụng rồi đóng nắp lại.
  • Test que thử: Lấy que thử ra khỏi lọ và cắm vào đầu máy đo đường huyết theo chiều mũi tên trên que thử. Máy sẽ tự khởi động và hiển thị mã số. So sánh mã số trên que thử và máy đo đường huyết, chỉ sử dụng khi 2 mã số trùng khớp, nếu không cần kiểm tra lại máy đo đường huyết. Trên màn hình máy thử sẽ có hình ảnh giọt máu nhấp nháy có nghĩa là có thể đưa giọt máu vào đầu que thử.

Bước 3: Chuẩn bị kim lấy máu

Chuẩn bị kim lấy máu, gắn kim lấy máu vào bút lấy máu, xoay nắp bút để điều chỉnh độ sâu của kim cho phù hợp với da của bạn.
Sau khi thực hiện lấy máu, vặn nắp kim theo chiều ngược lại để lấy kim ra.

Bước 4: Thực hiện lấy máu đầu ngón tay để đo đường huyết

  • Để lấy máu đầu ngón tay để thử đường huyết, mẹ bầu cần để đầu bút có kim vào đầu ngón tay đã sát trùng, bấm lẫy trên nắp hoặc thân bút.
  • Nặn ép máu trên ngón tay.
  • Đưa giọt máu vào đầu que thử gắn trên máy đo đường huyết.
  • Đợi máy báo kết quả.

Bước 5: Đọc kết quả hiển thị trên máy

Sau khoảng 5 giây màn hình sẽ hiển thị kết quả lượng đường huyết trong máu (kết quả trên máy đo tiểu đường thường được đo bằng mmol/l hoặc mg/dl). Mẹ bầu nên ghi lại và lập thành bảng nồng độ đường huyết để dễ so sánh và theo dõi sự thay đổi đường huyết.

Thời điểm mẹ bầu tiểu đường đo đường huyết

Tùy theo cơ địa, tình trạng sức khỏe và nguy cơ mắc tiểu đường mà mẹ bầu có thể có thời điểm kiểm tra đường huyết là khác nhau:
  • Với mẹ bầu mắc tiểu đường trước khi mang thai (tiểu đường type 1, type 2): Thời điểm xét nghiệm đường huyết là trước, sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi và điều chỉnh lượng insulin cần thiết để kiểm soát đường huyết ổn định.
  • Với mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ: Thời điểm xét nghiệm đường huyết là trước bữa ăn sáng và sau các bữa ăn. Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp mẹ bầu phát hiện sớm các biến chứng của tiểu đường thai kỳ và có biện pháp điều trị kịp thời.
  • Với mẹ bầu có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ: Mẹ bầu có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ cần được xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuần thứ 14 – 20 của thai kỳ.

Ngoài ra, 1 số trường hợp mẹ bầu gặp vấn đề sức khỏe đặc biệt, bác sĩ sẽ khuyến cáo thời điểm kiểm tra đường huyết tại nhà hoặc tại các cơ sở xét nghiệm phù hợp để theo dõi đường huyết tốt nhất. Kết quả xét nghiệm nên được ghi lại để bác sĩ tham khảo, đánh giá tình trạng bệnh lý và đưa ra lời khuyên nhằm kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn.

Tần suất kiểm tra đường huyết ở mẹ tiểu đường thai kỳ

Tần suất kiểm tra đường huyết ở mẹ bầu tiểu đường thai kỳ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và mức độ kiểm soát đường huyết.
  • Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ: Tùy mức khuyến cáo của bác sĩ, tần suất cần kiểm tra đường huyết có thể từ 4 – 6 lần/ngày, bao gồm:
  • Trước bữa ăn sáng: Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi ăn sáng để đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của mẹ bầu trong thời gian nhịn ăn qua đêm.
  • Trước các bữa ăn chính: Kiểm tra lượng đường trong máu trước bữa ăn để đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong một buổi.
  • Sau các bữa ăn chính: Kiểm tra lượng đường trong máu 2 giờ sau bữa ăn để đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết sau khi ăn.
  • Trước khi đi ngủ: Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ để đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong suốt cả ngày.
  • Mẹ bầu có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ: Mẹ bầu có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ cần được xét nghiệm đường huyết lúc đói ở tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để xác định chính xác tình trạng tiểu đường thai kỳ. Nếu kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đường uống dương tính, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu kiểm tra đường huyết với tần suất 4 – 6 lần/ngày, tương tự như mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ.

Đánh giá chỉ số đường huyết mao mạch cho mẹ bầu

Sau khi máy đo đường huyết mao mạch hiện kết quả, mẹ có thể so sánh với các thông số sau để đánh giá:
Chỉ số bình thường ở phụ nữ có thai:
  • Trước khi ăn: < 5,3 mmol/L.
  • 1 giờ sau ăn: ≤ 7,8 mmol/L.
  • 2 giờ sau ăn: ≤ 6,7 mmol/L.
Nếu kết quả đo liên tục cao hơn các mức chỉ số trên, mẹ bầu nên chú ý và đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.
Thực hiện các cách thử đường huyết tại nhà có mục đích nhằm theo dõi lượng đường trong máu của người bệnh mỗi ngày. Đồng thời việc làm này không thể thay thế những xét nghiệm và chẩn đoán của bác sĩ tại bệnh viện. Nếu kết quả đo tại nhà bất thường, mẹ bầu cần được bác sĩ chẩn đoán lại bằng các phương pháp xét nghiệm khác để xác định chính xác tình trạng bệnh.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.