Tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin? Tiểu đường thai kỳ là tình trạng không hiếm gặp đối với phụ nữ mang thai. Có khá nhiều mẹ tham khảo thông tin từ nhiều nguồn và băn khoăn không biết có cần tiêm insulin không hay tiêm vào thời gian nào. Để biết tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin, hãy cùng theo dõi bài viết sau đây.
Tiểu đường thai kỳ là gì
Tiểu đường là tình trạng chỉ mức glucose huyết tương tăng hay rối loạn dung nạp glucose do thiếu insulin, kháng insulin hoặc do cả hai. Theo phân loại của WHO – Tổ chức Y tế Thế giới, mức đường huyết tăng được phát hiện lần đầu ở thai phụ phân chia thành 2 nhóm, cụ thể như sau:
- Tiểu đường mang thai (diabetes in pregnancy/ overt diabetes): Tình trạng này mức glucose huyết tương đạt mức chẩn đoán tiểu đường tiêu chuẩn. Tình trạng này được phát hiện thường trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không mất đi sau khi sinh con.
- Tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus – GDM): Tình trạng này có lượng glucose huyết tương thấp hơn tình trạng tiểu đường mang thai. Khác với tiểu đường mang thai, tiểu đường thai kỳ phát triển trong thời gian mang thai, và tự khỏi sau khi sinh con.
Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra khi cơ thể thai phụ không thể sản xuất đủ lượng insulin trong quá trình mang thai. Insulin là hormone giúp đưa đường trong máu vào tế bào nhằm sử dụng làm năng lượng. Đồng thời, cơ thể phụ nữ mang thai lại tạo ra nhiều hormone hơn bình thường và kèm theo sự tăng cân, do đó, khiến các tế bào của cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả – đây được gọi là tình trạng kháng insulin.
Điều trị trong tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, việc xét nghiệm chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm sẽ kiểm soát tốt tình trạng, hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra. Điều trị tiểu đường thai kỳ cần có sự kết hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng, thói quen và lối sống của các mẹ để kiểm soát mức đường huyết ổn định.
Mục tiêu kiểm soát đường huyết
Phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cụ và an toàn trong 1 khoảng thời gian hẹp. Điều này tốt cho sức khỏe cũng như đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
- Đường huyết lúc đói < 5,3 mmol/l.
- Đường huyết 1 giờ sau khi ăn < 7,8 mmol/l.
- Đường huyết 2 giờ sau khi ăn < 6.7 mmol/l.
Ngoài ra, các mẹ nên theo dõi và chú ý không để mức đường huyết lúc đói xuống thấp < 3,4 mmol/l.
Dinh dưỡng điều trị
Mục tiêu trong điều trị dinh dưỡng ở mẹ bầu tiểu đường thai kỳ là đạt mức glucose bình thường, tránh tăng ceton máu, cân nặng tăng đều và hợp lý, thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Tổng mức năng lượng mỗi ngày đối với phụ nữ mang thai được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Trong đó, tổng số năng lượng mỗi ngày cần là 30kcal/kg. Tuy nhiên, tùy theo mức cân nặng mà điều chỉnh năng lượng phù hợp:
- Phụ nữ mang thai thừa cân cần bổ sung 20-30 kcal/kg/ngày.
- Phụ nữ mang thai có thể trạng bình thường 30-35 kcal/kg/ngày
- Phụ nữ thiếu cân cần bổ sung 35-40 kcal/kg/ngày.
Đối với hàm lượng carbohydrate, các mẹ khi bổ sung nên phân bố thành nhiều bữa trong ngày để tránh glucose máu tăng sau khi ăn, và tỷ lệ carbohydrate chiếm khoảng ít nhất 45% nguồn cung cấp năng lượng. Trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày nên tuân thủ tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ. Đặc biệt, chỉ nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường thấp.
Về các chất dinh dưỡng, các mẹ chú ý protein chiếm khoảng 20% nguồn cung cấp năng lượng, lipid chiếm 30%, trong đó chất béo bão hòa chiếm dưới 7%. Bên cạnh đó, các mẹ cần bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết trong thời gian mang thai.
Điều trị bằng thuốc
Cho đến nay, insulin human là thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ duy nhất được FDA công nhận. Việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị để kiểm soát tốt tình trạng.
Bên cạnh đó, các mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cũng cần đo đường huyết 4-6 lần/ ngày vào các thời điểm: trước bữa ăn, 2 giờ sau ăn và trước khi đi ngủ. Nếu như đường huyết tăng cao hay hạ thấp hơn bình thường cần liên hệ với bác sĩ điều trị ngay.
Tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin?
Tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin là vấn đề nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, đây là liệu pháp điều trị nên sẽ theo hướng và chỉ định của bác sĩ. Mỗi cơ thể của mỗi mẹ bầu có cơ địa và sức khỏe cũng như tình trạng bệnh khác nhau, do đó, không được tự ý thực hiện khi chưa có chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai bị tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 thì bắt buộc phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Đối với phụ nữ tiểu đường thai kỳ sau khi áp dụng chế độ dinh dưỡng, luyện tập, điều trị trong vòng 2 tuần mà không đạt được mục tiêu điều trị thì bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin hoặc chỉ số đường huyết tăng quá cao thì cần cân nhắc tiêm insulin.
Căn cứ vào mức glucose huyết, thời điểm đường huyết tăng và tình trạng kháng insulin mà bác sĩ đưa ra phác đồ tiêm insulin phù hợp. Trong trường hợp mẹ bầu gặp phải các biến chứng cấp như tăng ceton máu, tăng đường huyết nặng, nhiễm trùng, cân nặng giảm không rõ nguyên nhân,… bác sĩ sẽ phải hội chẩn và dùng insulin theo liều lượng từ đề nghị của chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường. Việc này giúp điều trị và duy trì ổn định mức glucose trong máu.
Hi vọng với những thông tin trong bài viết về tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin, giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc. Để có sức khỏe tốt, kiểm soát đường huyết ổn định, thai nhi phát triển khỏe mạnh, các mẹ nên chú ý kiểm soát chế độ ăn, vận động hợp lý, tiêm insulin đúng cách.