Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là một trong những việc bắt buộc mẹ bầu cần thực hiện ở một số mốc nhất định trong thai kỳ. Xét nghiệm này rất quan trọng và cần thiết vì có thể phản ánh một phần tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Vai trò của xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ là gì?
Xét nghiệm nước tiểu trong thời gian mang thai là cách chuẩn xác để phát hiện những yếu tố nguy cơ không tốt trong thai kỳ. Chính vì vậy mà xét nghiệm này được tất cả các bác sĩ sản phụ khoa chỉ định và không thể bỏ qua khi mang thai. Vậy xét nghiệm nước tiểu cho phụ nữ mang thai có tác dụng gì? Cụ thể loại xét nghiệm này có vai trò như sau:
- Xét nghiệm nước tiểu trước tuần 12 của thai kỳ giúp có thể phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiểu.
- Nếu kết quả cho thấy có protein trong nước tiểu nghĩa là thai phụ cần thận trọng với chứng tiền sản giật;
- Nếu có đường trong nước tiểu thì thai phụ có thể bị tiểu đường thai kỳ
- Nếu xét nghiệm cho thấy nước tiểu có lẫn máu thì có thể đây là dấu hiệu của các bệnh khác nhau ở thận, hệ tiết niệu hoặc bàng quang;
- Nếu phân tích dưới kính hiển vi tế bào đổ ra từ niêm mạc bàng quang xuất hiện trong nước tiểu, có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị căn bệnh ung thư bàng quang
- Quá trình phân tích sinh hóa của nước tiểu có thể hỗ trợ trong việc chẩn đoán sỏi thận và porphyria;
- Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có thể nhận biết được các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia, virus Herpes, giang mai…
- Trong quá trình kiểm tra bằng que thử nếu phát hiện có enzym (do bạch cầu tạo ra) hoặc nitrite (do vi khuẩn tạo ra) thì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Quy trình thực hiện xét nghiệm nước tiểu như thế nào?
Vậy xét nghiệm nước tiểu khi mang thai được tiến hành ra làm sao? Mỗi lần khi khám thai bạn sẽ được phát một cốc lấy mẫu nước tiểu và một khăn lau tiệt trùng rồi được hướng dẫn lấy mẫu như sau:
- Trước tiên, hãy rửa tay sạch sạch bằng xà phòng diệt khuẩn. Sau đó vệ sinh vùng kín, dùng khăn lau tiệt trùng lau khô.
- Rồi tiểu vào bồn cầu vài giây, tiếp theo để cốc vào giữa dòng chảy để lấy mẫu. Lúc này, nước tiểu sẽ được đựng trong một ống đựng vô trùng nhằm ngăn chặn vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân nào khác có thể ảnh hưởng đến kết quả.
- Bác sĩ sẽ nhúng que thử vào mẫu nước tiểu. Thông qua màu sắc trên que để đối chiếu với bảng màu chuẩn để cho ra kết quả cuối. Kết quả sẽ được ghi vào phiếu khám sức khỏe để bác sĩ tham khảo.
- Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những tư vấn cụ thể để mẹ bầu có chế độ chăm sóc phù hợp, đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ.
Các chỉ số quan trọng cần xác định khi xét nghiệm nước tiểu
Đường (Glucose)
Việc thỉnh thoảng có một lượng nhỏ đường (glucose) trong nước tiểu của thai phụ là điều bình thường. Tuy nhiên, khi mức glucose trong nước tiểu tăng cao trong một vài lần khám thai liên tiếp hoặc mức rất cao trong một lần khám, có thể thai phụ đó đã bị tiểu đường thai kỳ. Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện một bài kiểm tra glucose để có chẩn đoán chắc chắn hơn.
Cần lưu ý, dù kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy chỉ số glucose là bình thường (âm tính hoặc rất ít), thai phụ vẫn có thể phải thực hiện xét nghiệm đường huyết trong khoảng tuần 24 đến tuần 28 thai kỳ để kiểm tra bệnh lý tiểu đường thai kỳ.
Protein
Chỉ số protein có trong nước tiểu từ 7.5-20 mg/dL hoặc 0.075-0.2 g/L là bình thường. Mức độ protein cao hơn bình thường là báo hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lý về thận. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, đây cũng là dấu hiệu của tiền sản giật nếu đi kèm với huyết áp cao. Nếu có protein trong nước tiểu nhưng huyết áp vẫn bình thường, cơ sở xét nghiệm có thể dùng một mẫu nước tiểu giữa dòng để xét nghiệm nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ceton
Ceton được tạo ra khi cơ thể bắt đầu phá vỡ chất béo dự trữ để lấy năng lượng. Điều này có thể xảy ra khi thai phụ không nạp đủ carbohydrate hoặc cơ thể đang bị mất nước. Bình thường không có ceton trong nước tiểu, hoặc có rất ít ở phụ nữ mang thai. Chỉ số cho phép là 2.5 – 5 mg/dL (0.25 – 0.5 mmol/L). Mức độ ceton cao nghĩa là thai phụ đang bị thiếu nước hoặc ăn chưa đủ. Bên cạnh đó, ceton được tìm thấy kết hợp với chỉ số glucose trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Hồng cầu
Bình thường không có hồng cầu trong nước tiểu. Chỉ số cho phép là 0.015 – 0.612 mg/dL hoặc 5 – 10 tế bào/UL. Có hồng cầu trong nước tiểu là dấu hiệu cho thấy phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bạch cầu
Bình thường không có bạch cầu trong nước tiểu. Mức độ cho phép là 10 – 25 tế bào trên 1 đơn vị thể tích. Có bạch cầu trong nước tiểu cho thấy thai phụ có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Để chắc chắn, bác sĩ có thể gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để phân tích thêm.
Độ pH nước tiểu
Khi mới bài xuất, nước tiểu thường có tính axit yếu với độ pH vào khoảng 5.8 – 6.2. Tùy vào chế độ dinh dưỡng, tần suất luyện tập thể thao và các loại thuốc đang sử dụng mà giá trị pH nước tiểu dao động từ 4.5 đến 7.5. Nước tiểu có độ pH trên 7.5 được gọi là nước tiểu tính kiềm. Điều này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nhóm vi khuẩn gây phân giải ure. Trong khi đó, nước tiểu có pH dưới 4.5 (nước tiểu tính axit) có thể là báo hiệu của sỏi urat thận.
Tỷ trọng nước tiểu
Trong nước tiểu có các tế bào, tinh thể và hợp chất hòa tan khác nên tỷ trọng nước tiểu bình thường trong khoảng 1.010 – 1.025. Tỷ trọng nước tiểu phản ánh khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Tỷ trọng nước tiểu sẽ tăng trong trường hợp:
- Uống ít nước.
- Cơ thể mất nước: đổ mồ hôi quá nhiều, tiêu chảy cấp, nôn ói…
- Sốc, suy tim, hẹp động mạch thận,… làm giảm lưu lượng máu đến thận.
- Bệnh tiểu đường nặng.
Tỷ trọng nước tiểu giảm trong các trường hợp:
- Nạp vào cơ thể quá nhiều nước: uống nhiều, truyền dịch liên tục…
- Suy thận, viêm cầu thận,…
Nitrit
Một số loại vi khuẩn có thể khử nitrat thành nitrit. Vì vậy thông số này dùng để phát hiện tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nước tiểu bình thường không chứa nitrit, hoặc có với mức từ 0.05 đến 0.1 mg/dL. Kết quả dương tính rất có ý nghĩa và chứng tỏ nhiễm khuẩn niệu. Nhưng một kết quả âm tính cũng chưa loại trừ được không phải nhiễm khuẩn niệu.
Bilirubin
Bình thường không có trong nước tiểu với xét nghiệm que thử. Chỉ số ở mức bình thường có thể dao động từ 0.4 đến 0.8 mg/dL. Nồng độ bilirubin trong nước tiểu ngoài mức bình thường là dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật.
Urobilinogen
Tương tự nhiên bilirubin, thông thường, nước tiểu sẽ không có urobilinogen khi xét nghiệm que thử. Kết quả xét nghiệm âm tính hoặc có nồng độ urobilinogen từ 0.2 đến 1 mg/dL được cho là bình thường. Urobilinogen có trong nước tiểu với nồng độ ngoài mức bình thường là báo hiệu của bệnh gan (viêm gan, xơ gan) làm dòng chảy dịch mật từ túi mật bị nghẽn.
Như vậy có thể thấy xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có vai trò rất quan trọng và cần thiết đối với cả mẹ và bé. Bởi các chỉ số xét nghiệm nước tiểu của mẹ bầu sẽ cho biết phần nào tình trạng sức khỏe của mẹ trong thai kỳ.