Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Có cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không?


Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một trong những loại xét nghiệm mẹ bầu bắt buộc phải thực hiện vào khoảng tuần thai từ 24 - 28. Nhưng trên thực tế còn rất nhiều mẹ bầu xem nhẹ loại xét nghiệm này và không nắm được thông tin cơ bản về nó, chẳng hạn như có cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm không, nhịn ăn trước bao nhiêu tiếng?

Tiểu đường thai kỳ là bệnh gì?

Tiểu đường trong thai kỳ là căn bệnh phổ biến, khá nhiều mẹ bầu gặp phải, nhất là ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ. Bệnh xảy ra do sự thay đổi các hormone trong cơ thể khi mang thai. Thông thường, bệnh có thể tự khỏi sau khi mẹ bầu kết thúc quá trình mang thai và sinh con.
Khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần theo dõi và kiểm soát tốt căn bệnh này để tránh gây biến chứng trong quá trình mang thai. Hầu hết các mẹ bầu đã bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai thứ nhất sẽ mắc bệnh lại vào những lần mang thai sau.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để làm gì?

Theo các chuyên gia về sản phụ khoa cho biết, tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm, có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy mẹ bầu nên tiến hành việc xét nghiệm đường huyết thai kỳ để giúp phát hiện bệnh kịp thời và điều trị. Các tác động mà bệnh này có thể gây ra cho mẹ bầu và thai nhi như sau:

Tác động của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bầu

  • Với chứng đa ối, tử cung nhanh chóng to ra, gây tổn thương cho hệ tuần hoàn và hô hấp của mẹ.
  • Làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật ở phụ nữ mang thai.
  • Làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non ở mẹ bầu.
  • Kéo dài thời gian sinh con, tăng nguy cơ chấn thương và chảy máu sau sinh.
  • Tỷ lệ sinh mổ cao và rối loạn đường huyết dễ dẫn đến hôn mê sâu.

Tác động của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi

  • Tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh.
  • Không phát triển.
  • Thai chết lưu.
  • Trẻ sau sinh bị vàng da, béo phì, suy hô hấp,…

Khi nào nên làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Các phụ nữ mang thai đều có nguy cơ bị bệnh tiểu đường thai kỳ vì vậy bác sĩ thường yêu cầu kiểm tra đường huyết, làm nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thai thứ 24-28 để tầm soát nguy cơ bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp bà bầu có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ thì sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm đường huyết sớm và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Cụ thể các yếu tố nguy cơ đó gồm:
  • Bị béo phì và thừa cân
  • Trên 35 tuổi
  • Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Tăng cân quá mức khi mang thai
  • Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước
  • Sinh con trước đó nặng trên 4kg
  • Có tiền sử thai lưu 3 tháng cuối không rõ nguyên nhân
  • Tiền sử sinh con bị dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân
  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba…)
  • Bị huyết áp cao
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Có cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không? Quy trình thực hiện

Xét nghiệm được thực hiện dựa vào nghiệm pháp dung nạp đường glucose qua đường uống. Việc xét nghiệm thường được thực hiện vào buổi sáng. Trước khi làm xét nghiệm, thai phụ cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, nhưng không quá 12 giờ. Thai phụ sẽ được lấy máu vào 3 thời điểm khác nhau:
  • Lần 1: Thai phụ được lấy máu ngay khi đói;
  • Lần 2: Thai phụ sẽ được uống nước có pha glucose trong vòng 3-5 phút. Sau đó 1 tiếng, thai phụ sẽ được chỉ định lấy máu lần 2;
  • Lần 3: 2 giờ sau khi uống nước pha đường glucose.

Đường huyết thường được đo bằng milligrams trên deciliter (mg/ML) hoặc millimoles trên liter (mmol/L). Các chỉ số đường huyết đo tại 3 thời điểm được coi là bình thường nếu:
  • Khi đói: <5,1
  • Sau khi dung nạp đường glucose 1 tiếng: <10
  • Sau khi dung nạp đường glucose 2 tiếng: <78,5
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không gây hại cho mẹ và thai nhi, nhưng mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc chóng mặt ngay sau khi uống dung dịch đường. Đây là một hiện tượng bình thường, nên các mẹ bầu có thể yên tâm.

Làm xét nghiệm đường huyết thai kỳ hết bao nhiêu tiền?

Thông thường chi phí thực hiện xét nghiệm có thể dao động từ 200.000 VNĐ – 300.000 VNĐ tùy theo cơ sở y tế. Đây là một xét nghiệm cơ bản, mẹ bầu có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở y tế nào, miễn là uy tín.
Để có được một thai kỳ khỏe mạnh, các mẹ bầu nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị, giữ an toàn cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, khi bị chuẩn đoán tiểu đường trong thai kỳ, các mẹ cũng đừng quá hốt hoảng và lo lắng. Các mẹ bầu hoàn toàn có thể tự kiểm soát bệnh hiệu quả bằng điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, kết hợp theo sát với các chỉ định của bác sĩ.
Ở những phụ nữ mang thai bị bệnh nặng hơn, nguy cơ gia tăng các biến chứng được theo dõi chặt chẽ. Điều này giúp đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và con bằng các biện pháp ngăn chặn nhanh chóng và hiệu quả trong trường hợp có biến chứng.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.