Từ lâu chủ đề "tiểu đường thai kỳ" đã dành được nhiều sự quan tâm từ chị em phụ nữ, nhất là những người đang mang thai hoặc có dự định mang thai. Bệnh lý này gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi. Bởi vậy tốt nhất các chị em nên chủ động tìm hiểu cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ ngay từ khi lên kế hoạch mang thai.
Có khoảng 7% phụ nữ sẽ mắc tiểu đường kỳ trên tổng số phụ nữ mang thai. Tỉ lệ mắc bệnh cao cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến cả mẹ và thai nhi khiến các bậc bố mẹ rất lo lắng. Sau đây là một số cách ngừa tiểu đường thai kỳ được chuyên gia khuyến cáo:
Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng trước khi mang thai
Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai. Khi bạn bị thừa cân, không chắc chắn là bạn sẽ bị đái tháo đường thai kỳ, nhưng bạn sẽ tăng yếu tố nguy cơ mắc bệnh hơn một người có cân nặng bình thường. Một người có chỉ số khối cơ thể BMI hơn 30 có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ gấp 3 lần người có BMI nhỏ hơn 25.
Nếu bị thừa cân, bạn nên tầm soát đái tháo đường típ 2 trước khi mang thai. Nếu bạn béo phì hoặc thừa cân thì nên giảm cân trước khi quyết định mang thai. Giảm cân khi đang có thai không được khuyến khích vì không an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy duy trì cân nặng hợp lý ngay từ trước khi mang thai chính là cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ hiệu quả.
Kiểm soát tốt cân nặng trong khi mang thai
Một thực tế theo tâm lý của các mẹ khi đang mang thai thường có nhu cầu ăn uống rất nhiều. Một phần tâm lý mong muốn cho thai nhi được cung cấp đầy đủ dưỡng chất nhất, nên đôi khi các bà bầu ăn uống quá mức dẫn tới tăng cân quá nhanh là một điều thực sự không tốt. Chúng ta nên hiểu rằng cái gì quá cũng không tốt, ăn sao cho luôn tốt nhất cho sức khỏe đảm bảo thai nhi luôn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Nếu thai phụ để tăng cân quá nhanh nhất là tuần thứ 24 – 28 thì tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chính vì vậy theo lời khuyên của các bác sĩ về cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ, các thai phụ nên có một chế độ ăn uống khoa học để luôn kiểm soát được cân nặng của mình khi mang thai.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng mức tăng cân của bà mẹ mang thai trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10 -12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4kg thì người mẹ có nguy cơ bị đẻ non hoặc suy dinh dưỡng bào thai, đứa trẻ thường chỉ đạt cân nặng dưới 2.5kg.
Có kế hoạch vận động, tập luyện thường xuyên
Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý thì vận động phù hợp cũng là cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện. Phụ nữ mang thai nên vận động phù hợp để tránh việc tăng cân không thể kiểm soát, dễ dẫn tới mắc bệnh tiểu đường khi mang thai.
- Mỗi ngày nên dành ra ít nhất từ 30 - 45 phút đi bộ hoặc tập luyện một bộ môn thể thao nào đó phù hợp với phụ nữ có thai. Việc tập luyện nên duy trì đều đặn để cơ thể quen với nhịp sinh hoạt, vận động đó, không nên gián đoạn quá 2 ngày/ tuần.
- Sau khi ăn nên nghỉ ngơi từ 30 - 45 phút. Sau đó đi bộ thư giãn tầm 15 - 20 phút để tránh việc đường huyết gia tăng quá cao sau khi ăn xong;
- Đối với những người làm công việc văn phòng, nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng xung quanh khu vực làm việc khoảng 1 tiếng/lần.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý - Ưu tiên các thực phẩm lành mạnh
Để kiểm soát tốt sự tăng cân trong thai kỳ và có cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ hiệu quả để giúp con phát triển tối đa, chế độ ăn của mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thực phẩm lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý được hiểu là chế độ ăn có đảm bảo nguyên tắc đủ về lượng và đúng về chất các nhóm thực phẩm, đảm bảo đủ và cân đối 4 nhóm chất thiết yếu.
Giai đoạn mang thai, các bác sĩ thường khuyến nghị mẹ bổ sung sắt, axit folic (Vitamin B9), canxi và DHA. Bên cạnh việc chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mẹ cũng nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc organic (hữu cơ) bởi chúng không chứa hoá chất độc hại trong quá trình nuôi trồng.
Cách đơn giản nhất có thể kiểm soát lượng thức ăn mỗi ngày là lập ra kế hoạch ăn uống và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn kế hoạch ăn uống của mình. Như vậy, bạn sẽ không sợ ăn quá thiếu hay thừa dinh dưỡng.
Ngoài các khuyến cáo kể trên, thêm một lời khuyên nữa về cách phòng ngừa tiểu đường thai kỳ hiệu quả, đó là các chị em nên liên hệ thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa sản kể từ khi có kế hoạch mang thai. Sự đồng hành của một bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp các chị em theo dõi sức khỏe tốt hơn cũng như kịp thời phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai để có biện pháp can thiệp kịp thời.