Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Cách nhận biết tiểu đường thai kỳ


Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý mẹ bầu lo ngại mắc phải nhất. Mặc dù bệnh không gây tác động lớn đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi khi được kiểm soát tốt nhưng các mẹ bầu vẫn không nên chủ quan. Nhận biết sớm các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ sẽ phần nào giúp mẹ bầu giảm bớt tác động xấu của bệnh lý này.

Nhận biết chỉ số cảnh báo các mức độ tiểu đường thai kỳ

Đa số các mẹ bầu không nắm được dấu hiệu tiểu đường thai kỳ cho tới khi làm xét nghiệm máu và được thông báo kết quả về chỉ số đường huyết. Bác sĩ cho biết, sự rối loạn lượng đường trong máu đã gây ra bệnh lý này. Bệnh thường gặp ở mẹ bầu, tuy nhiên chỉ phát triển mạnh trong thời gian mang thai và tự hết khi kết thúc thai kỳ. Thống kê cho thấy khoảng từ 2 - 10% phụ nữ có thai mắc phải bệnh lý này.
Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện ở tuần thứ 22 - 28. Thời điểm này đa số các mẹ bầu sẽ làm xét nghiệm kiểm tra chỉ số tiểu đường thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa. Cụ thể nếu có 2 kết quả bằng hoặc vượt quá giới hạn của kết quả xét nghiệm glucose máu sau đây thì mẹ bầu được xác định là bị tiểu đường thai kỳ:
  • Lúc đói : ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
  • Sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l)
  • Sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l)

Hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu tiểu đường thai kỳ

Việc phát hiện tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 22 - 28 không có nghĩa là thời điểm này mẹ bầu mới mắc phải bệnh lý này. Thực tế có những mẹ bầu bị tiểu đường ngay khi mới mang thai. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm? Cần dựa vào những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ điển hình sau đây:

Đi tiểu nhiều lần - Tiểu liên tục

Khi mang thai, do sự gia tăng của hormone hCG và áp lực trên bàng quang gia tăng, mẹ bầu có thể sẽ cảm thấy “buồn tiểu” nhiều hơn bình thường. Đây là một hiện tượng khá bình thường, xảy ra với hầu hết các phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, các mẹ thường bỏ qua chi tiết này và không biết mình đã “dính chưởng”.

Miệng khô, hay có cảm giác khát nước

Giống như một chuỗi tuần hoàn, lượng đường trong máu cao đòi hỏi bạn phải đi tiểu nhiều hơn, và việc thường xuyên ghé thăm nhà vệ sinh lại khiến cơ thể mất nước, cần bổ sung thêm nước. Cứ như vậy, những mẹ bầu có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường có cảm giác khô miệng và muốn uống nước nhiều hơn bình thường.

Thường trực cảm giác thèm ăn, ăn nhiều khó kiểm soát

Với tình trạng "ăn cho hai người" cùng lúc nên việc ăn nhiều là điều đương nhiên. Nếu thường xuyên cảm thấy đói và lúc nào cũng thèm ăn thì bạn vẫn phải xem lại. Những người bị tiểu đường thai kỳ thường là do insulin trong cơ thể không chuyển hóa hết glucose thành năng lượng nuôi cơ thể. Khi năng lượng cần thiết không được bổ sung đủ, cơ thể liên tục gửi “tín hiệu” cho não cảm thấy đói, và làm bạn cũng cảm nhận cơn đói “đeo đẳng”.
 

Viêm nhiễm vùng kín

Lượng đường trong cơ thể tăng cao khiến những vi khuẩn và các loại nấm men ở "cô bé" cũng có chiều hướng tăng theo. Từ đó, mẹ bầu có nguy cơ bị viêm nhiễm. Nếu như có các dấu hiệu ngứa ngáy, rát buốt khi đi tiểu, dịch tiết âm đạo có mùi hôi.... thì có thể là mẹ bầu đã bị nhiễm khuẩn vùng kín. Bởi thế mẹ bầu nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Mỏi mắt, mờ mắt chỉ trong thời gian ngắn

Khi lượng đường trong máu tăng đột ngột, cơ thể chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này dẫn đến tình trạng mờ mắt trong thời gian ngắn. Lúc này, tầm nhìn của mẹ bầu sẽ trở lại bình thường khi cơ thể thích nghi.
Ngoài những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ kể trên, mẹ bầu cũng nên cẩn thận và thường xuyên kiểm tra máu nếu bị nằm trong số 3 trường hợp sau:
  • Từng sinh con có cân nặng hơn 4,5 kg
  • Có mức cân nặng vượt chuẩn, chỉ số khối của cơ thể (BMI) vượt quá 30
  • Có người thân bị tiểu đường hoặc từng bị tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?

Nhận biết sớm những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ cũng là cách giúp mẹ bầu kiểm soát tốt hơn bệnh lý này, tránh trường hợp bệnh gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Các tác động xấu điển hình có thể kể đến như:
Đối với sản phụ:
  • Nguy cơ chấn thương vùng lưng, gãy xương và trật khớp do thai nhi quá to;
  • Tỷ lệ tiền sản giật cao gấp 4 lần người bình thường;
  • Khả năng phải sinh non và sinh mổ tăng cao, do phần thân dưới của bé quá to;
  • Sẩy thai, thai chết lưu;
  • Băng huyết sau sinh
 
Đối với thai nhi:
  • Bé được sinh ra dễ bị thừa cân, béo phì, mắc các bệnh về hô hấp và dễ bị bệnh về đường huyết hơn các bé bình thường;
  • Bé bị tụt canxi sau khi chào đời;
  • Nguy cơ dị tật thai nhi.
Ngay khi nhận thấy mình có nguy cơ hoặc có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần thăm khám ngay. Bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết và từ đó đưa ra hướng điều trị, kiểm soát bệnh lý này. Mẹ bầu cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ nhất là về chế độ dinh dưỡng để không làm cho bệnh trầm trọng hơn, gây nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và thai nhi trong bụng.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.