Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai


Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh gì?

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn phát triển trong hệ thống tiết niệu, thường gặp nhất là viêm niệu đạo, viêm bàng quang nhưng cũng có thể gặp các tình trạng nhiễm khuẩn ở phần cao hơn của hệ tiết niệu như viêm niệu quản, viêm đài bể thận. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là các chủng vi khuẩn  như Enterococcus, Samollena, Enterobacter, Klebsiella, các vi khuẩn kỵ khí…Ngoài các chủng vi khuẩn, một số chủng vi sinh vật khác cũng có thể gây viêm đường tiết niệu như nấm Candida, Trichomonas Vaginalis, Chlamydia Ureaplamal, herpes sinh dục...
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai có thể khiến sản phụ đối mặt với các nguy cơ như sảy thai, đẻ non, thai lưu, trẻ nhẹ cân khi chào đời và thậm chí có thể đe dọa sinh mạng nếu tiến triển nặng thành nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn tiết niệu có những triệu chứng gì?

Triệu chứng thường gặp khiến người bệnh chú ý tới và đi khám bệnh là triệu chứng nóng rát khi đi tiểu (tiểu buốt), đi tiểu lắt nhắt nhiều lần trong ngày (tiểu rắt), tiểu không hết bãi (tiểu láu), tiểu són. Người bệnh có thể có cơn đau vùng hông lưng, vùng chậu với tính chất đau lan, có khi đau xuyên tới cơ quan sinh dục ngoài. Nếu có nhiễm trùng đài bể thận có thể có sốt cao 39-40 độ, sốt kèm theo những cơn ớn lạnh, người mệt mỏi, buồn nôn, hoặc nôn ói. Nếu không điều trị kịp thời, viêm thận – bể thận có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết. Đây là bệnh cảnh rất nặng, có thể gây sốc nhiễm khuẩn, đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Ở một số bệnh nhân, nhiễm trùng tiết niệu không có triệu chứng trên lâm sàng mà chỉ thể hiện qua các thay đổi trên kết quả phân tích mẫu nước tiểu với sự hiện diện của Bạch cầu niệu và Nitrit +. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu nước tiểu của người bệnh có thể mọc những khuẩn lạc của các chủng vi khuẩn gây bệnh.

Phụ nữ mang thai có dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu?

Nhiễm khuẩn tiết niệu chủ yếu gây ra do nhiễm trùng ngược dòng từ niệu đạo (đoạn ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đổ ra ngoài). Do đặc điểm giải phẫu của nữ giới, niệu đạo thường ngắn chỉ dài khoảng 3-5cm, đổ ra ở vị trí sau âm vật, giữa hai môi bé và trước lỗ âm đạo (xem hình). Vị trí này cũng nằm gần khu vực hậu môn vì vậy, nếu chăm sóc vệ sinh không đúng cách rất dễ bị nhiễm trùng. Từ niệu đạo, vi khuẩn có thể lan ngược dòng đến bàng quang và thậm chí lan tới các cấu trúc cao hơn của hệ tiết niệu.

Thiết đồ cắt dọc qua vùng niệu – sinh dục nữ

A: Bàng quang, B: xương mu  C: niệu đạo  D: thành sau bàng quang  E: cổ bàng quang, F: hoành niệu dục


 

Minh họa hệ tiết niệu nữ. Kidney: thận; Ureter: niệu quản;  Bladder: Bàng quang; Uterus: tử cung; Sphincter: cơ thắt cổ bàng quang; Urethra: niệu đạo

Bình thường, cấu trúc niêm mạc đường tiết niệu có cơ chế đề kháng tự nhiên chống nhiễm trùng. Quá trình bài tiết nước tiểu có tác dụng rửa trôi đẩy các mầm bệnh ra ngoài. Khi hàng rào niêm mạc bị suy yếu hay khi có tình trạng nghẽn đường bài niệu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dễ dàng hơn qua lớp hàng rào bảo vệ này. Phụ nữ mang thai có một số yếu tố thuận lợi khiến chị em dễ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu hơn bao sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng tới hoạt động bài niệu và sự phát triển kích thước thai có thể gây chèn ép làm nghẽn sự lưu thông nước tiểu. Phụ nữ mắc các bệnh như sỏi tiết niệu, suy giảm miễn dịch, bệnh hồng cầu hình liềm, thiếu máu, tiểu đường thường dễ bị nhiễm trùng tiết niệu hơn trong thời kỳ thai nghén.

Chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai cần làm gì?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng như dấu hiệu đau, sốt và các bất thường liên quan tới bài niệu (tiểu buốt, rắt, tiểu không tự chủ, tiểu không hết) và chỉ định một số xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, phân tích mẫu nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu. Một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có thể phát hiện được qua các xét nghiệm.

Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ mang thai như thế nào?

Nhiễm khuẩn tiết niệu đơn giản như viêm niệu đạo, viêm bàng quang không có bất thường giải phẫu hoặc bệnh lý kèm theo có thể được điều trị ngoại trú bằng đơn thuốc kháng sinh được lựa chọn cẩn thận để tránh độc tính cho thai nhi. Trong thời gian điều trị, chị em được khuyên uống nhiều nước và bổ sung vitamin C.
Với các nhiễm khuẩn tiết niệu phức tạp, bao gồm nhiễm khuẩn trên cơ địa có bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu, có bệnh đồng mắc như sỏi thận....sẽ cần được điều trị nội trú tại bệnh viện. 

Cần lưu ý gì để tránh nhiễm khuẩn tiết niệu trong thai kỳ?

Phụ nữ có thai rất nên thực hiện xét nghiệm nước tiểu tối thiểu 3 tháng/ lần để tầm soát và điều trị sớm nhiễm khuẩn tiết niệu. Chị em được khuyên nên uống đủ nước và tuyệt đối không nhịn tiểu. Bên cạnh đó, nên thực hành thói quen vệ sinh vùng tầng sinh môn đúng cách: chú ý chăm sóc lau rửa vệ sinh từ trước ra sau bằng nước sạch và thấm khô bằng khăn giấy mềm, tránh sử dụng khăn giấy thô và tránh thụt rửa sâu bằng các dung dịch vệ sinh dễ gây kích ứng niêm mạc. Phụ nữ bị nhiễm khuẩn sinh dục (viêm âm hộ, âm đạo…) cần được điều trị sớm và triệt để tránh lây lan sang đường niệu.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.