Trang
Kiến thức cho bà bầu

Phòng Khám Sản Phụ Khoa - Bs Khanh

Buồng trứng đa nang: liệu tôi có thể có con?


Buồng trứng đa nang (PCOS: Polycystic Ovary Syndrome) là một hội chứng lâm sàng do rối loạn nội tiết sinh sản với biểu hiện thường gặp là rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều hoặc vô kinh, hay gặp tình trạng thừa cân hoặc béo phì và có các dấu hiệu của thừa nội tiết tố nam (như rậm lông, rụng tóc, da tăng tiết bã nhờn, trứng cá...). PCOS là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn chức năng phóng noãn, làm giảm khả năng sinh sản. 
Các rối loạn nội tiết tố sinh sản trong hội chứng PCOS khá phức tạp. Trong khi nồng độ estrogen tăng cao quá mức có thể gây quá sản nội mạc tử cung thì việc tăng nồng độ androgen (hormon sinh dục nam) quá mức là nguy cơ gây ra hội chứng chuyển hóa và chứng rậm lông ở phụ nữ. Tình trạng kháng insulin là một nguyên nhân làm tăng androgen tự do. Việc mất cân bằng nội tiết tố, đặc biệt là tình trạng tăng androgen trong máu người phụ nữ khiến các nang trứng không thể trưởng thành và phóng noãn khiến buồng trứng tồn tại nhiều nang nhỏ (< 10mm) xếp thành chuỗi chạy dọc theo các cạnh ngoài. Hình ảnh này có thể quan sát thấy qua siêu âm phụ khoa.

 

Buồng trứng đa nang: nhiều nang nhỏ dọc theo các cạnh ngoài của buồng trứng, có thể quan sát thấy trên siêu âm

Không chỉ làm giảm khả năng sinh sản, rối loạn nội tiết ở người bệnh có hội chứng PCOS có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các bệnh lý chuyển hóa như thừa cân, bất dung nạp đường, đái tháo đường, cao huyết áp, tăng mỡ máu và các biến cố tim mạch. Gánh nặng do PCOS là một stress y tế và nó có thể khiến một số người bệnh rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí trầm cảm. Mặc dù hiện tại chưa có phương thức điều trị đặc hiệu nhưng Bác sĩ có thể xử trí được các triệu chứng và những rắc rối do buồng trứng đa nang gây ra nhằm làm giảm nguy cơ tác động bất lợi trên chuyển hóa cũng như cải thiện khả năng sinh sản.
Các thuốc tránh thai nội tiết tố (bao gồm các thuốc ngừa thai chỉ có progestin dùng không liên tục và các thuốc ngừa thai kết hợp) là giải pháp hàng đầu điều trị rối loạn kinh nguyệt, chứng rậm lông và mụn trứng cá do cường androgen trên người bệnh PCOS và ở những người không mong muốn mang thai.  Điều trị bằng nội tiết tố tránh thai cũng giúp làm giảm androgen huyết thanh và làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều hơn. Thuốc ngừa thai đường uống cũng có thể giảm nguy cơ quá sản nội mạc tử cung.
Giảm cân và tập thể dục thường xuyên được khuyến khích. Liệu pháp vận động giúp tăng nhạy cảm với Insulin, tác động có lợi tới điều hòa hormon sinh dục, giúp chu kỳ kinh đều hơn và có thể giúp phóng noãn, cải thiện khả năng sinh sản. Tuy nhiên, giảm cân không có lợi cho những phụ nữ PCOS có cân nặng bình thường. Nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả, Bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng một số thuốc như metformin nhằm giảm tình trạng đề kháng insulin ở những người phụ nữ có PCOS kèm theo đái tháo đường hoặc nếu họ không thể dùng hoặc bất dung nạp với thuốc ngừa thai nội tiêt tố. Metformin giúp điều chỉnh các bất thường về chuyển hóa và đường máu, làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều hơn và có thể có phóng noãn nhưng ít hiệu quả trên chứng rậm lông, mụn trứng cá hoặc vô sinh. Việc điều trị bằng metformin cần theo dõi nồng độ glucose máu và chức năng gan thận một cách định kỳ.
Đối với phụ nữ PCOS mong muốn mang thai, một số thuốc giúp kích thích rụng trứng (vd: clomiphene) có thể được xem xét. Đôi khi phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng được lựa chọn nhằm giảm bớt mô đệm, tạo điều kiện cho phóng noãn dễ dàng hơn. Các kỹ thuật về hỗ trợ sinh sản như IVF cũng có thể được thảo luận. Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ cao gặp các biến chứng trong thai kỳ bao gồm tiểu đường, sinh non, tiền sản giật… và các biến chứng này sẽ nặng nề hơn nếu bệnh nhân bị béo phì. Vì vậy, trước khi có kế hoạch làm mẹ người phụ nữ mắc PCOS cần quản lý cân nặng cũng như khám toàn trạng và làm nghiệm pháp dung nạp glucose. Một số các phiền toái do cường androgen trong PCOS như chứng mọc lông, viêm da bã nhờn, trứng cá… có thể được cải thiện với các trị liệu nội tiết tố và chăm sóc da tại chỗ. Các rối loạn lo âu do bệnh và các nguy cơ về bệnh lý tim mạch sẽ được sàng lọc và tư vấn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh và tim mạch.
Mắc hội chứng buồng trứng đa nang không có nghĩa là bạn không còn khả năng sinh sản. Nó có thể khiến cho hành trình làm mẹ của bạn khó khăn hơn nhưng với các trị liệu đầy đủ và kịp thời, người phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang vẫn có hi vọng mang thai và sinh nở bình thường.

Copyright by bskhanh.vn All rights reserved.