Khi dịch xuất hiện nhiều trong cộng đồng, đã xuất hiện tâm lý cho rằng “ai rồi cũng thành F0”, thậm chí “nên trải nghiệm F0 để có miễn dịch tự nhiên”, “ đã tiêm đủ mũi Vaxcin rồi nhiễm thường nhẹ”. Theo các chuyên gia y tế, các quan niệm trên là rất chủ quan và khá nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng bởi tiêm vaxcin rồi không có nghĩa là bạn sẽ tuyệt đối miễn nhiễm. Khi dịch lan rộng, nó có thể lây sang những người có sức đề kháng yếu, có bệnh nền nguy hiểm và rất có thể đó lại là những người thân quen của bạn. Trên thực tế vẫn đang có hàng ngìn trường hợp diễn biến nặng cần thở Oxy hay phải điều trị tích cực tại các trung tâm ICU và cũng có nhiều trường hợp để lại di chứng “hậu covid” tác động lâu dài tới sức khỏe. Hiện tại, Covid-19 vẫn được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A và tốt nhất vẫn là phòng tránh để không bị mắc.
2. Khi mang thai có dễ bị nhiễm Covid-19 hơn không?
Cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm Covid 19 ở phụ nữ mang thai và những người không mang thai là như nhau.Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nếu không may bị nhiễm thì dễ có nguy cơ trở nặng cao hơn những người không mang thai. Đặc biệt, những mẹ bầu trên 35 tuổi có chỉ số BMI cao (béo phì) hoặc có sẵn bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn …) cần lưu ý.
3. Mẹ F0 có lây virus cho con hay không? Covid có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không?
Theo các chuyên gia, tỉ lệ lây từ mẹ sang thai nhi rất thấp và hầu như là không có. Nếu bị nhiễm thì hầu hết trẻ sơ sinh không bị triệu chứng nặng và thường hồi phục tốt.Thời điểm trẻ sơ sinh bị nhiễm Covid-19 thường sau sinh do lây trực tiếp từ người mẹ hoặc người chăm sóc bé qua đường giọt bắn. Hiện tại chưa có bằng chứng nhiễm Covid-19 trong thai kỳ gây dị tật bẩm sinh cho em bé.
4. Làm sao để biết tôi bị nhiễm Covid-19?
Biểu hiện của Covid-19 ở phụ nữ mang thai phần lớn giống như người không mang thai. Những triệu chứng thường gặp như: chảy mũi, ho, đau đầu, đau họng, sốt, cảm giác ớn lạnh, mệt, đau mỏi cơ, mất khứu giác, mất vị giác,… và đôi khi cũng không có triệu chứng. Nhiễm Covid-19 được khẳng định bằng xét nghiệm Real time–PCR dương tính hoặc test nhanh kháng nguyên dương tính. Một kết quả test nhanh tự làm âm tính không có nghĩa là đã loại trừ hoàn toàn việc bạn không nhiễm Covid vì đơn giản là kỹ thuật lấy mẫu có thể chưa đúng hoặc tải lượng virus hiện đang ở mức thấp hơn mức test có thể phát hiện được. Nếu nghi ngờ về kết quả test, hãy tuân thủ 5K và tham vấn y tế về xét nghiệm khẳng định.
5. Mẹ bầu cần làm gì để hạn chế khả năng nhiễm Covid-19?
Hiện tại, các khuyến cáo y tế để hạn chế lây lan dịch bệnh đã khá đầy đủ và được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mẹ bầu cần tuân thủ 5K, đặc biệt lưu ý việc sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay đúng cách thường xuyên và giảm thiểu các tiếp xúc trực tiếp không thực sự cần thiết là rất quan trọng. Mẹ bầu có thể tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ online an toàn cho hoạt động mua sắm, trao đổi thông tin. Nên hạn chế đụng chạm vào các bề mặt tiếp xúc tại các khu vực công cộng (như thang máy, sảnh chung cư, chợ, siêu thị, nhà ga, bến xe, cảng hàng không, nhà hàng, ngân hàng, phòng chờ khám bệnh), và tránh hiện diện tại các chỗ đông người, đặc biệt là các sự kiện trong không gian kín, chật chội. Nếu phải ra ngoài, luôn đeo khẩu trang và mang theo chai dung dịch sát khuẩn tay để vệ sinh tay khi cần, chẳng hạn như sau khi sử dụng nút bấm thang máy, tay nắm cửa ở các điểm dịch vụ công cộng…
Nếu trong gia đình bạn có thành viên không may trở thành F0, hãy đeo ngay khẩu trang và bình tĩnh làm theo các hướng dẫn y tế để giảm thiểu nguy cơ lây từ người nhiễm.
6. Chẳng may mẹ bầu nhiễm Covid thì nên làm gì?
Nếu mẹ bầu chẳng may thành F0 thì cần bình tĩnh tìm trợ giúp và tuyệt đối không hoảng loạn vì tình trạng stress lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của triệu chứng bệnh, mẹ bầu sẽ được theo dõi, chăm sóc tại cơ sở y tế hay chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bộ y tế. Việc đầu tiên sau khi xác định nhiễm thì nên báo cho cơ sở y tế địa phương hoặc bác sĩ đang theo dõi thai để có hướng xử trí và điều trị. Hầu hết các trường hợp nhiễm Covid-19 thể nhẹ có thể điều trị tại nhà với các thuốc điều trị triệu chứng và chăm sóc nâng đỡ. Phụ nữ mang thai cần lưu ý các chống chỉ định dùng thuốc (chẳng hạn thuốc kháng virus molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai). Trong trường hợp không rõ liệu loại thuốc bạn định dùng có an toàn cho thai kỳ hay em bé của mình, hãy hỏi ý kiến Bác sĩ của bạn.
Trường hợp thai phụ là F0, thai trên 38 tuần hoặc có dấu chuyển dạ (đau bụng từng cơn, ra chất nhầy hồng, vỡ ối…) sẽ được điều trị tại cơ sở y tế có đủ điều kiện cho cả việc điều trị Covid-19 và theo dõi thai kỳ…
7. Mẹ bầu nhiễm covid có cho con bú được không?
Cho tới nay chưa có bằng chứng Covid-19 có thể lây qua sữa mẹ. Người mẹ F0 trước khi cho con bú cần vệ sinh tay sạch sẽ cũng như đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn để giảm thiểu nguy cơ lây cho em bé khi tiếp xúc gần. Nếu vì một lý do nào đó mà sản phụ tạm thời không thể nuôi con bằng sữa mẹ (mẹ có triệu chứng nặng, đi cách ly…) thì nên vắt sữa mẹ đem bỏ nhằm duy trì nguồn sữa cho giai đoạn phục hồi và đồng thời tránh tình trạng tắc tia sữa.